​Hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền thu được từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia

10/02/2025
Nghị định số 15/2025/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2025 của Chính phủ hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền thu được từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia như sau:
Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các nguyên tắc sau đây:
- Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được thống kê, kế toán kịp thời, đầy đủ về hiện vật, giá trị; được tính hao mòn, khấu hao tài sản và bảo trì công trình theo quy định của pháp luật.
- Việc xử lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định tại Nghị định này được thực hiện đối với toàn bộ hoặc một phần của từng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống đường sắt, quy hoạch phát triển đường sắt, không vi phạm nguyên tắc điều hành thống nhất, tập trung, đảm bảo hoạt động giao thông vận tải thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, hiệu quả. Trường hợp xử lý, khai thác một phần của từng tài sản thì phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với phần tài sản còn lại.
- Khi thực hiện giao quản lý, khai thác, xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định tại Nghị định này, trường hợp tài sản có liên quan đến quốc phòng phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng; trường hợp tài sản có liên quan đến an ninh quốc gia phải có ý kiến của Bộ Công an; trường hợp tài sản không liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia thì Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan quản lý đường sắt, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt có trách nhiệm xác định tại hồ sơ đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giao, khai thác, xử lý tài sản.
- Trường hợp thực hiện khai thác, xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định tại Nghị định này mà làm ảnh hưởng đến các tài sản kết cấu hạ tầng khác có liên quan thì phải có ý kiến của đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng có liên quan đó và phải có giải pháp, xác định rõ trách nhiệm để khắc phục.
- Việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán theo quy định; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
- Việc quản lý, sử dụng đối với đất gắn với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đường sắt và pháp luật khác có liên quan. Không thực hiện việc chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, thế chấp quyền sử dụng đất gắn với kết cấu hạ tầng đường sắt. Trường hợp thu hồi đất gắn với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định của pháp luật về đất đai thì việc thu hồi đất gắn với tài sản, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc xử lý đất, tài sản gắn liền với đất sau khi thu hồi thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai; không thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Việc sử dụng quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
- Trường hợp doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định tại Điều 16 Nghị định này và các trường hợp cho phép xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông, công trình cấp, thoát nước trên tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia:
+ Số tiền thu được từ phí được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.
+ Số tiền thu được từ cung cấp dịch vụ quy định tại khoản 4 Điều 16 Nghị định này (không bao gồm các dịch vụ thuộc phạm vi tính phí, lệ phí), doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia được sử dụng 80% để chi trả các chi phí có liên quan đến hoạt động quản lý, khai thác tài sản, duy trì, phát triển tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật và phải hạch toán vào doanh thu của doanh nghiệp; phần còn lại (20%) nộp vào ngân sách nhà nước.
Hằng quý, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia có trách nhiệm tổng hợp số tiền thu được từ việc trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quy định tại Điều 16 Nghị định này, xác định số phải nộp ngân sách nhà nước và thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước chậm nhất vào ngày 15 của tháng đầu tiên của quý sau liền kề.
Việc quản lý, sử dụng số tiền doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia được sử dụng được thực hiện theo cơ chế tài chính của doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia.
+) Việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc cho phép xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông, công trình cấp, thoát nước trên tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này được thực hiện theo quy định tại điểm b khoản này.
- Trường hợp doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao, Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ xem xét, quyết định tỷ lệ (%) số tiền thu được từ cung cấp dịch vụ phải nộp ngân sách nhà nước, tỷ lệ (%) số tiền thu được từ cung cấp dịch vụ doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia được sử dụng.
- Trường hợp khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định tại Điều 17, Điều 18 Nghị định này:
+ Số tiền thu được từ cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản được nộp vào tài khoản tạm giữ do cơ quan, đơn vị được Bộ Giao thông vận tải chỉ định làm chủ tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.
+ Nội dung chi:
Chi phí phục vụ việc lập, trình, phê duyệt Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản; chi phí kiểm kê, đo vẽ, xác định giá khởi điểm, tổ chức đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản; chi phí bảo quản, bảo vệ tài sản trong thời gian tổ chức lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp khai thác; chi phí phục vụ công tác quản lý của Bên cho thuê, Bên chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản trong thời gian thực hiện hợp đồng; các chi phí khác có liên quan.
+ Dự toán chi phí có liên quan đến việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt lập, trình Hội đồng thành viên của doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia phê duyệt sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý đường sắt quốc gia.
+ Mức chi:
Đối với các nội dung chi đã có hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, chế độ, chính sách do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành hoặc pháp luật quy định (thuế, kế toán, thống kê và các pháp luật khác có liên quan) và có giá của Nhà nước quy định thì áp dụng theo các quy định đó;
Đối với các nội dung chi chưa có các căn cứ nêu trên thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia phê duyệt và chịu trách nhiệm về quyết định của mình;
Đối với các chi phí liên quan đến nhiều sản phẩm, nhiệm vụ, công việc khác nhau mà không thể tách riêng ra được (như khấu hao tài sản; tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn, chi phí phục vụ quản lý, khai thác...) thì tập hợp và phân bổ theo tiêu chí thích hợp, phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan cho từng sản phẩm, nhiệm vụ, công việc.
+ Định kỳ 6 tháng (chậm nhất vào ngày 30 tháng 6 và 31 tháng 12), chủ tài khoản tạm giữ thực hiện nộp số tiền còn lại đối với các khoản thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt (sau khi đã hoàn thành việc thanh toán chi phí theo quy định tại điểm c, điểm d khoản này từ tài khoản tạm giữ cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia) vào ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Quá thời hạn này mà doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia không gửi hồ sơ đề nghị thanh toán đến chủ tài khoản tạm giữ để chi trả và cũng không có văn bản về lý do chưa hoàn thiện hồ sơ thanh toán thì chủ tài khoản tạm giữ thực hiện nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
+ Số tiền đã nộp ngân sách nhà nước được ưu tiên bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công, dự toán chi ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo và phát triển tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công và pháp luật khác có liên quan.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Nghị định này thay thế Nghị định số 46/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.