Thông tư này áp dụng đối với hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực y tế (giám định tư pháp theo vụ việc), bao gồm: y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; y, dược cổ truyền; thiết bị y tế; dược, mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số, sức khỏe sinh sản và các lĩnh vực y tế khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp dưới đây.
Thông tư này không áp dụng đối với các trường hợp sau đây: Giám định pháp y; giám định pháp y tâm thần; giám định ngoài tố tụng của tổ chức giám định tư pháp công lập thuộc ngành y tế.
Tiêu chuẩn lựa chọn người giám định tư pháp theo vụ việc
Thông tư nêu rõ, tiêu chuẩn lựa chọn người giám định tư pháp theo vụ việc đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 18 của Luật Giám định tư pháp và theo lĩnh vực: y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; y, dược cổ truyền; thiết bị y tế; dược, mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số, sức khỏe sinh sản và các lĩnh vực y tế khác theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp: Giám định pháp y; giám định pháp y tâm thần; giám định ngoài tố tụng của tổ chức giám định tư pháp công lập thuộc ngành y tế.
Khoản 1 và khoản 2 Điều 18 của Luật Giám định tư pháp quy định rõ về người giám định tư pháp theo vụ việc như sau:
1. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc:
a) Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt;
b) Có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên.
2. Trong trường hợp người không có trình độ đại học nhưng có kiến thức chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực cần giám định thì có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc. |
Điều kiện đối với tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc
Theo Thông tư, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc cần có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Giám định tư pháp. Cụ thể như sau: Có tư cách pháp nhân; có hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung được trưng cầu, yêu cầu giám định; có điều kiện về cán bộ chuyên môn, cơ sở vật chất bảo đảm cho việc thực hiện giám định tư pháp.
Đồng thời, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc theo lĩnh vực: y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; y, dược cổ truyền; thiết bị y tế; dược, mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số, sức khỏe sinh sản và các lĩnh vực y tế khác theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp: Giám định pháp y; giám định pháp y tâm thần; giám định ngoài tố tụng của tổ chức giám định tư pháp công lập thuộc ngành y tế.
Tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp, yêu cầu giám định tư pháp theo vụ việc
Theo Thông tư, tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp theo vụ việc tại Bộ Y tế như sau: Bộ Y tế tiếp nhận và thực hiện việc giám định lần đầu, giám định bổ sung, giám định lại và giám định lại lần thứ hai theo trưng cầu giám định tư pháp của người trưng cầu giám định ở cấp Trung ương.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của người trưng cầu giám định, Thanh tra Bộ phối hợp với các đơn vị chuyên môn liên quan tham mưu đề xuất với Bộ Y tế cụ thể việc tiếp nhận hoặc từ chối thực hiện giám định.
Tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp theo vụ việc tại Sở Y tế như sau: Sở Y tế tiếp nhận và thực hiện việc giám định lần đầu, giám định bổ sung, giám định lại theo trưng cầu giám định tư pháp của người trưng cầu giám định ở cấp địa phương hoặc theo trưng cầu giám định tư pháp của người trưng cầu giám định ở cấp Trung ương trong trường hợp vụ việc xảy ra tại chính địa phương đó. Giám đốc Sở Y tế giao cho 01 bộ phận chuyên môn thuộc Sở Y tế tham mưu việc tiếp nhận trưng cầu giám định thuộc thẩm quyền.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ thời điểm nhận được quyết định của người trưng cầu giám định, Sở Y tế có trách nhiệm xem xét việc tiếp nhận hoặc từ chối thực hiện giám định.
Tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp, yêu cầu giám định tư pháp theo vụ việc ở các tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc như sau: Các tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc tiếp nhận và thực hiện việc giám định lần đầu, giám định bổ sung, giám định lại theo trưng cầu giám định tư pháp hoặc theo yêu cầu giám định tư pháp.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu giám định hoặc văn bản yêu cầu giám định, Thủ trưởng của tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc có trách nhiệm xem xét việc tiếp nhận hoặc từ chối trưng cầu giám định, yêu cầu giám định.
Thông tư có hiệu lực thi hành 01/3/2025.