Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 122/2024/TT-BQP quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thông tư này quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền, nghĩa vụ của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ (sau đây viết chung là quân nhân), công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động trong thực hiện dân chủ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Thông tư quy định việc thực hiện dân chủ ở cơ sở phải bảo đảm nguyên tắc phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức quần chúng và Hội đồng quân nhân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; công khai, minh bạch các nội dung thực hiện dân chủ; tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, bảo đảm quyền của công dân, quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; tôn trọng, lắng nghe ý kiến, kịp thời giải trình, giải quyết kiến nghị, phản ánh; bảo vệ lợi ích của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động, người sử dụng lao động.
Quyền của quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở
Thông tư quy định cụ thể quyền của quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở:
1. Được công khai thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời theo phân cấp, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, Bộ Quốc phòng về bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự.
2. Tham gia ý kiến và thực hiện các nội dung dân chủ ở cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp.
3. Kiểm tra, giám sát, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp trong thực hiện dân chủ theo quy định.
4. Được bảo đảm các quyền dân chủ về quân sự - chuyên môn, chính trị, kinh tế - đời sống và các quyền về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật có liên quan; được thụ hưởng thành quả của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nơi công tác, làm việc; được tạo điều kiện để tham gia học tập, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp tác phong công tác.
Các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở
Thông tư quy định nhiều biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở như: Tổ chức hòm thư góp ý và công khai số điện thoại của cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để tiếp nhận thông tin của quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động.
Thực hiện nghiêm các quy định về đối thoại dân chủ, giải quyết nội dung phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Chủ động phát hiện và xử lý nghiêm biểu hiện trù dập, đe dọa người tham gia ý kiến, phản ánh, tố cáo.
Tổ chức tiếp công dân theo quy định của pháp luật, kịp thời giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Phát huy vai trò các tổ chức quần chúng (thanh niên, công đoàn, phụ nữ) và Hội đồng quân nhân trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng tổ chức đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động, đoàn viên, hội viên...
Những nội dung chỉ huy cơ quan, đơn vị phải công khai
Về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị, một trong các nội dung đáng chú ý là quy định những nội dung chỉ huy cơ quan, đơn vị phải công khai.
Theo đó, trừ các nội dung có xác định độ mật, việc phổ biến, quán triệt theo quy định phân cấp quản lý tài liệu mật, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải công khai các nội dung sau:
1. Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến Quân đội và cơ quan, đơn vị.
2. Chủ trương, giải pháp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị; nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; kế hoạch công tác năm, quý, tháng; các quy định, quy tắc, điều lệnh, điều lệ chuyên môn.
3. Nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị. Số liệu, báo cáo về công tác thu, chi tài chính theo phân cấp. Các nội dung liên quan đến công tác nhân sự, giải quyết chế độ, chính sách, đánh giá, xếp loại chất lượng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động; khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu, phục viên, xuất ngũ đối với quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động.
4. Nội dung kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai theo quy định của pháp luật.
5. Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết nội dung phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong nội bộ.
6. Kết quả tổng hợp ý kiến và giải trình, tiếp thu ý kiến của quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động về những nội dung được tham gia ý kiến theo quy định.
7. Văn bản chỉ đạo, điều hành của chỉ huy cấp trên liên quan đến hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Thời gian phải công khai chậm nhất là 10 ngày làm việc
Thông tư quy định các hình thức công khai thông tin gồm:
a- Thông báo bằng văn bản đến các tổ chức và toàn thể quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động;
b- Trên hệ thống thông tin nội bộ hoặc đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, bảng tin;
c- Tại hội nghị quân chính, giao ban chỉ huy các cấp, sinh hoạt tập thể, quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động.
Về thời điểm công khai thông tin, Thông tư yêu cầu nội dung thông tin phải được công khai chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định, văn bản của cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị về nội dung cần công khai. Đối với các đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, thời gian phải công khai chậm nhất là 10 ngày làm việc.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2025.