Trong những năm gần đây, tình hình mua bán phụ nữ, trẻ em ở nước ta xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Mua bán phụ nữ và trẻ em không chỉ còn là những hiện tượng đơn lẻ mà đã hình thành những tuyến, địa bàn trọng điểm với nhiều đường dây phạm tội có tổ chức. Đặc biệt, một số vụ việc mới được phát hiện gần đây cho thấy không chỉ có phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới cũng đã và đang trở thành nạn nhân của loại tội phạm này.
Trong khi đó, Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ quy định Tội mua bán phụ nữ (Điều 119) và Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120). Chính vì vậy, hiện nay chưa có cơ sở pháp lý để trừng trị những hành vi mua bán nam giới từ đủ 16 tuổi trở lên.
Bên cạnh đó, các yếu tố cấu thành của Tội mua bán phụ nữ, mua bán trẻ em theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành cũng còn những điểm chưa hợp lý. Chẳng hạn, ý chí của đối tượng được mua bán không ảnh hưởng đến việc định tội nên không phân biệt được những trường hợp môi giới hôn nhân, môi giới lao động bất hợp pháp với trường hợp mua bán phụ nữ, trẻ em; gây ra sự chồng chéo giữa Tội mua bán phụ nữ, trẻ em với Tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài trái phép hoặc với Tội môi giới mại dâm (thể hiện rõ trong trường hợp tuyển mộ phụ nữ rồi giới thiệu vào những tụ điểm mại dâm trong nội địa). Việc đưa yếu tố “tư lợi” vào cấu thành tội phạm chưa thật hợp lý, vừa khiến cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn khi chứng minh yếu tố này, vừa chưa phản ánh được bản chất của tội mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng và buôn bán người nói chung...
Mặt khác, các yếu tố cấu thành các tội quy định tại Điều 119 và Điều 120 Bộ luật Hình sự hiện hành cũng chưa thực sự phù hợp với các chuẩn mực quốc tế có liên quan: hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em theo pháp luật Việt Nam không bao gồm những hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp; thủ đoạn cưỡng bức, lừa gạt, man trá... và mục đích bóc lột cũng không phải là yếu tố cấu thành bắt buộc. Các hình phạt quy định tại Điều 119 và 120 hiện nay cũng còn chưa đầy đủ và hợp lý (các khung hình phạt quá rộng, hình phạt bổ sung quy định chưa đầy đủ...). Những yếu tố này đã gây không ít khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác định tội danh, quyết định hình phạt.
Để khắc phục những khiếm khuyết, bất cập nêu trên, đồng thời làm hài hoà hơn nữa giữa pháp luật hình sự của Việt Nam với pháp luật của quốc tế liên quan đến tội phạm buôn bán người, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự lần này dự kiến sửa đổi, bổ sung Điều 119 - “Tội buôn bán người thay cho tội “Mua bán phụ nữ” (Điều 119 Bộ luật Hình sự hiện hành) và tội “Mua bán trẻ em” (Điều 120 Bộ luật Hình sự hiện hành). Các yếu tố cấu thành của tội buôn bán người sẽ được quy định về cơ bản tương tự như quy định của Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ, trẻ em, bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, bao gồm các yếu tố về hành vi, thủ đoạn, mục đích phạm tội. Đối tượng bị buôn bán là con người nói chung. Các tình tiết tăng nặng định khung của tội buôn bán người được nghiên cứu bổ sung đầy đủ. Khung hình phạt được rút ngắn, đồng thời bổ sung thêm hình phạt tịch thu tài sản và nâng mức phạt tiền bổ sung.
Cùng với việc quy định mới Tội buôn bán người và sửa đổi Điều 120 về mặt kỹ thuật (sửa thành Tội đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em), dự thảo Luật còn bổ sung một điều mới (Điều 119a) quy định về Tội lợi dụng việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi nhằm góp phần ngăn ngừa buôn bán người.
Nuôi con nuôi là một hoạt động nhân đạo, có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm quyền được chăm sóc nuôi dưỡng trong môi trường gia đình thay thế đối với những trẻ em không có gia đình, không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật, tàn tật,... Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động này đã và đang bị lợi dụng để thực hiện những hành vi vô nhân đạo như: lạm dụng, bóc lột trẻ em, trục lợi bất chính. (Gần đây nhất, Công an tỉnh Nam Định vừa khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng có hành vi làm hồ sơ giả trẻ em bị bỏ rơi để đưa hàng trăm trẻ em ra nước ngoài làm con nuôi người nước ngoài). Đối với những hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi để lạm dụng, bóc lột trẻ em, những hành vi này sẽ bị trừng trị theo tội buôn bán người. Riêng đối với hành vi lợi dụng việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi, Nghị định thư về mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em, bổ sung Công ước Quyền trẻ em yêu cầu phải hình sự hoá những hành vi làm trung gian, tranh thủ sự đồng ý một cách không lương thiện việc nuôi con nuôi để trục lợi. Việt Nam đã phê chuẩn Nghị định thư này từ năm 2001, do vậy việc quy định điều luật này là rất cần thiết để thực hiện nghĩa vụ này.
Với những sửa đổi, bổ sung như trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự sau khi được Quốc hội thông qua vào năm tới sẽ tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho việc phát hiện, xử lý tội phạm buôn bán người, góp phần đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nói chung và tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em nói riêng./.
Hải Anh