Quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia

27/06/2024
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 08/2024/TT-NHNN ngày 25/6 quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia.
Thông tư số 08/2024/TT-NHNN quy định việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia để thực hiện việc thanh toán và quyết toán giữa các đơn vị tham gia hệ thống thanh toán này bằng đồng Việt Nam (VND), Đô la Mỹ (USD), Đồng tiền chung châu Âu (EUR) và các loại ngoại tệ khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định trong từng thời kỳ.
Thông tư gồm 10 chương, 49 điều gồm: quy định chung (Chương I); lệnh thanh toán trong thanh toán liên ngân hàng (Chương II); xử lý quyết toán bù trừ giữa các thành viên và kết quả quyết toán ròng từ các hệ thống khác (Chương III); xử lý thiếu vốn trong thanh toán liên ngân hàng (Chương IV); xử lý sai sót trong thanh toán liên ngân hàng (Chương V); đối chiếu, báo cáo và xử lý báo cáo (Chương VI).
Thông tư cũng quy định về tham gia, sử dụng dịch vụ và rút khỏi Hệ thống thanh toán liên ngân hàng Quốc gia (Chương VII); quản lý và vận hành Hệ thống thanh toán liên ngân hàng Quốc gia (Chương VIII); quyền hạn và trách nhiệm của các đơn vị (Chương IX); điều khoản thi hành (Chương X).
Đối tượng áp dụng của Thông tư 08 là thành viên, đơn vị thành viên của Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia, Đơn vị vận hành Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia, Thành viên chủ trì hệ thống bù trừ điện tử, các đơn vị liên quan của NHNN.
Chứng từ sử dụng và thanh toán nợ trong thanh toán liên ngân hàng
Thông tư số 08/2024/TT-NHNN nêu rõ, thanh toán điện tử liên ngân hàng là quá trình xử lý các giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng kể từ khi khởi tạo lệnh thanh toán cho tới khi hoàn tất thực hiện lệnh thanh toán, được thực hiện qua mạng máy tính. Hệ thống Thanh toán liên ngân hàng Quốc gia là hệ thống tổng thể bao gồm: Trung tâm Xử lý Quốc gia; Trung tâm Xử lý Quốc gia dự phòng; phần mềm cài đặt tại các thành viên và đơn vị thành viên để xử lý các lệnh thanh toán.
Các cấu phần xử lý nghiệp vụ bao gồm: Cấu phần thanh toán giá trị cao; Cấu phần thanh toán ngoại tệ; Cấu phần thanh toán giá trị thấp; Cấu phần xử lý tài khoản thanh toán và kiểm tra, đối chiếu số liệu.
Trong đó, cấu phần thanh toán giá trị cao thực hiện quyết toán tổng tức thời cho các lệnh thanh toán bằng đồng Việt Nam sử dụng dịch vụ thanh toán giá trị cao. Cấu phần thanh toán ngoại tệ thực hiện quyết toán tổng tức thời cho các lệnh thanh toán bằng ngoại tệ sử dụng dịch vụ thanh toán ngoại tệ. Cấu phần thanh toán giá trị thấp thực hiện thanh toán các lệnh thanh toán giá trị thấp sử dụng dịch vụ thanh toán giá trị thấp. Cấu phần xử lý tài khoản thanh toán và kiểm tra, đối chiếu số liệu thực hiện kiểm tra, hạch toán lệnh thanh toán giá trị cao, lệnh thanh toán bằng ngoại tệ, xử lý kết quả bù trừ giá trị thấp và kết quả quyết toán ròng từ các hệ thống khác.
Về chứng từ sử dụng trong thanh toán liên ngân hàng, Thông tư 08 quy định là chứng từ bằng giấy hoặc dưới dạng chứng từ điện tử theo quy định của pháp luật hiện hành về chế độ chứng từ kế toán. Cơ sở để lập lệnh thanh toán là các chứng từ sử dụng trong thanh toán liên ngân hàng. Lệnh thanh toán được lập dưới dạng chứng từ điện tử theo đúng mẫu, đáp ứng các chuẩn dữ liệu do Thống đốc NHNN quyết định.
Thông tư số 08/2024/TT-NHNN cũng quy định về cấp phát, quản lý và sử dụng chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử tham gia Hệ thống TTLNH Quốc gia. Theo đó, chữ ký điện tử được chia làm 3 loại gồm: Chữ ký điện tử của người lập lệnh; chữ ký điện tử của người kiểm soát lệnh; chữ ký điện tử của người duyệt lệnh.
Việc tổ chức phân quyền người lập lệnh, người kiểm soát lệnh và người duyệt lệnh tại các thành viên, đơn vị thành viên do người có thẩm quyền của đơn vị quy định, đảm bảo nguyên tắc người lập lệnh độc lập với người kiểm soát lệnh và người duyệt lệnh. Ngân hàng Nhà nước cấp phát chứng thư chữ ký điện tử cho người duyệt lệnh và chứng thư chữ ký điện tử để xác thực kết nối (chứng thư kết nối) giữa phần mềm cài đặt tại các đơn vị thành viên và các đơn vị thành viên với Trung tâm Xử lý Quốc gia.
Việc cấp phát, quản lý, sử dụng chứng thư chữ ký điện tử cho người duyệt lệnh và chứng thư chữ ký điện tử để xác thực kết nối tham gia Hệ thống thanh toán liên ngân hàng Quốc gia thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Thanh toán Nợ và lệnh thanh toán trong thanh toán liên ngân hàng
Về thanh toán Nợ trong Hệ thống thanh toán liên ngân hàng Quốc gia, Thông tư 08 nêu rõ thanh toán Nợ giữa các thành viên không phải là đơn vị NHNN phải có hợp đồng ủy quyền trước.
Thanh toán Nợ giữa các thành viên là đơn vị NHNN với các thành viên không phải là đơn vị NHNN phải có văn bản thỏa thuận trước.
Đối với hợp đồng ủy quyền hoặc văn bản thỏa thuận về việc thanh toán Nợ giữa các thành viên phải bao gồm tối thiểu 3 yếu tố gồm: Hạn mức tối đa trong ngày được thanh toán Nợ giữa các thành viên; Hạn mức tối đa của một lệnh thanh toán Nợ không cần xác nhận nợ; Thời hạn hiệu lực của hợp đồng ủy quyền hoặc văn bản thỏa thuận.
NHNN cũng quy định, lệnh thanh toán bằng đồng Việt Nam có giá trị từ 500.000.000 VND trở lên phải sử dụng dịch vụ thanh toán giá trị cao. Lệnh thanh toán bằng đồng Việt Nam có giá trị nhỏ hơn 500.000.000 VND có thể sử dung dịch vụ thanh toán giá trị cao hoặc dịch vụ thanh toán giá trị thấp. Lệnh thanh toán bằng ngoại tệ phải sử dung dịch vụ thanh toán ngoại tệ.
Thông tư số 08/2024/TT-NHNN quy định rõ về quy trình tạo lập lệnh thanh toán đối với lệnh thanh toán khởi tạo từ chứng từ giấy; đối với lệnh thanh toán khởi tạo từ chứng từ điện tử. Lệnh thanh toán bằng loại đồng tiền nào sẽ được Hệ thống thanh toán liên ngân hàng Quốc gia xử lý, hạch toán trên tài khoản thanh toán của loại đồng tiền tương ứng đó của thành viên mở tại Sở Giao dịch NHNN.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định cụ thể các yêu cầu về sử dụng dịch vụ trên Hệ thống thanh toán liên ngân hàng Quốc gia như: Phải có tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam mở tại Sở Giao dịch; Trường hợp tham gia thanh toán bằng ngoại tệ, phải có tài khoản thanh toán ngoại tệ tương ứng mở tại Sở Giao dịch; Trường hợp tham gia thanh toán giá trị thấp phải có cam kết với Ngân hàng Nhà nước về việc thực hiện vay thanh toán bù trừ trong trường hợp không đủ số dư tại thời điểm quyết toán và chịu trách nhiệm toàn bộ về việc nhận nợ và hoàn trả nợ vay (bao gồm cả gốc và lãi vay) cho Ngân hàng Nhà nước; ủy quyền vô thời hạn và không hủy ngang cho Sở Giao dịch được chủ động trích (ghi Nợ) tài khoản thanh toán của thành viên, trích (ghi Nợ) tài khoản ký quỹ, chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá ký quỹ (khi thiết lập hạn mức nợ ròng) để thực hiện việc quyết toán bù trừ và thực hiện nghĩa vụ chia sẻ rủi ro trong trường hợp thành viên quyết toán thiếu vốn quyết toán bù trừ không đủ khả năng trả nợ vay; Yêu cầu về nguồn nhân lực; Yêu cầu về kỹ thuật.
Thông tư số 08/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/8/2024.
Một số văn bản hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư số 08 có hiệu lực thi hành gồm: (1) Thông tư số 37/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống TTLNH Quốc gia; (2) Thông tư số 21/2020/TT-NHNN ngày 31/12/2020 của Thống đốc NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một điều của Thông tư số 37/2016/TT-NHNN; (3) Khoản 6 Điều 9a Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán được bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 23/2019/TT-NHNN.