Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành vừa Thông tư số 03/2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2011/TT-BGTVT ngày 14 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về Áp dụng sửa đổi, bổ sung năm 2002 của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974 ban hành kèm theo Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển.
Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam
Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện chức năng “Tổ chức an ninh được công nhận”, có trách nhiệm và quyền hạn sau:
a) Hướng dẫn các Công ty tàu biển xây dựng Kế hoạch an ninh tàu biển, phê duyệt Kế hoạch an ninh tàu biển;
b) Đánh giá an ninh tàu biển và cấp Giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển.”
Trách nhiệm của Cơ sở đào tạo
Thông tư quy định Cơ sở đào tạo có trách nhiệm:
a) Tổ chức huấn luyện cán bộ an ninh cảng biển, sỹ quan an ninh tàu biển, cán bộ an ninh công ty phù hợp với chương trình chuẩn của Tổ chức Hàng hải Quốc tế; cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ Cán bộ an ninh cảng biển theo mẫu quy định tại Phụ lục V và Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn Sỹ quan an ninh tàu biển, Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ Cán bộ an ninh công ty theo mẫu quy định tại Phụ lục XIV của Thông tư này;
b) Tổ chức huấn luyện cập nhật kiến thức cho Cán bộ an ninh cảng biển và Cán bộ an ninh công ty;
c) Duy trì và cập nhật danh sách người đã được cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ Cán bộ an ninh cảng biển, Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn Sỹ quan an ninh tàu biển, Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ Cán bộ an ninh công ty.”
Trách nhiệm của Doanh nghiệp cảng biển
Bên cạnh 6 trách nhiệm đã được quy định tại Thông tư số 27/2011/TT-BGTVT, Thông tư số 03/2024/TT-BGTVT đã bổ sung thêm trách nhiệm :Ít nhất 05 năm một lần, bố trí cán bộ an ninh cảng biển được tham gia khóa huấn luyện cập nhật kiến thức cho cán bộ an ninh cảng biển do các Cơ sở đào tạo tổ chức.
Trách nhiệm của Công ty tàu biển
Theo quy định mới, Công ty tàu biển có trách nhiệm:
a) Tổ chức đánh giá an ninh tàu biển.
b) Lập kế hoạch an ninh tàu biển.
c) Bố trí để những sỹ quan dự kiến sẽ được chỉ định kiêm nhiệm chức danh Sỹ quan an ninh tàu biển và cán bộ dự kiến sẽ được chỉ định đảm nhận chức danh Cán bộ an ninh công ty được tham gia khóa huấn luyện cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn Sỹ quan an ninh tàu biển và Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ Cán bộ an ninh công ty do các Cơ sở đào tạo tổ chức.
Ít nhất 05 năm một lần, bố trí cán bộ an ninh công ty được tham gia khóa huấn luyện cập nhật kiến thức cho cán bộ an ninh công ty do các Cơ sở đào tạo tổ chức;
d) Bảo đảm các tàu thực hiện đầy đủ và kịp thời các yêu cầu về: đánh giá an ninh tàu biển; xây dựng kế hoạch an ninh tàu biển để thẩm tra, phê duyệt và cấp Giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển. Đồng thời, bảo đảm các tàu này được cấp “Lý lịch của tàu biển” và “Bản cam kết an ninh” để sử dụng khi cần thiết;
đ) Trang bị các thiết bị quy định tại Sửa đổi, bổ sung năm 2002 của Công ước SOLAS 74 và Bộ luật ISPS cho tàu biển và chỉ định một sỹ quan boong kiêm nhiệm chức danh sỹ quan an ninh tàu biển trên mỗi tàu thuộc quyền quản lý và một hoặc một số cán bộ đảm nhận chức danh cán bộ an ninh công ty.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 4 năm 2024.
Quy định chuyển tiếp: các Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ Sỹ quan an ninh tàu biển, Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ Cán bộ an ninh công ty đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì được tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận.