Theo Quyết định, tổ chức có nhu cầu làm Đại lý đổi ngoại tệ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: (1) là tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; (2) có địa điểm đặt Đại lý đổi ngoại tệ theo quy định; (3) có cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu hoạt động của Đại lý đổi ngoại tệ như: nơi giao dịch riêng biệt (phòng và quầy giao dịch không gắn với hoạt động kinh doanh khác, chỉ chuyên làm dịch vụ đổi ngoại tệ) trong đó được trang bị đầy đủ các phương tiện làm việc như: bàn, ghế, điện thoại, máy fax, két sắt, bảng thông báo tỷ giá công khai, bảng hiệu ghi tên tổ chức tín dụng uỷ nhiệm và tên Đại lý đổi ngoại tệ; (4) nhân viên trực tiếp làm ở Đại lý đổi ngoại tệ phải có giấy xác nhận do Tổ chức tín dụng uỷ nhiệm cấp, xác nhận đã được đào tạo, tập huấn kỹ năng nhận biết ngoại tệ thật, giả; cách thức ghi hoá đơn, cấp nhật số liệu vào sổ sách kế toán; có trình độ tiếng Anh tối thiểu để giao tiếp với người nước ngoài khi thực hiện nghiệp vụ đổi ngoại tệ; (5) có quy trình nghiệp vụ đổi ngoại tệ, có biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình đổi ngoại tệ.
Chỉ được đặt Đại lý đổi ngoại tệ tại các địa điểm: cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan quản lý nhà nước về du lịch xếp hạng 3 sao trở lên; cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường không, đường thuỷ); khu vui chơi giải trí có thưởng dành riêng cho người nước ngoài; văn phòng bán vé của các hãng hàng không, hàng hải, du lịch của nước ngoài và văn phòng bán vé quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam; khu du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị có nhiều du khách nước ngoài tham quan, mua sắm.
Về hoạt động của Đại lý đổi ngoại tệ, các Đại lý đổi ngoại tệ chỉ được hoạt động dưới hình thức dùng Đồng Việt Nam mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân và không được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân lấy Đồng Việt Nam (trừ các Đại lý đổi ngoại tệ đặt tại các khu cách ly ở các cửa khẩu quốc tế). Các Đại lý đổi ngoại tệ đặt tại các khu cách ly ở các cửa khẩu quốc tế được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân mang hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền nhà nước cấp. Một tổ chức chỉ được làm Đại lý đổi ngoại tệ cho một Tổ chức tín dụng và tổ chức có thể thoả thuận đặt Đại lý đổi ngoại tệ ở một hoặc nhiều địa điểm trên địa bàn nơi có trụ sở chính hoặc chi nhánh.
Về thủ tục, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Đại lý đổi ngoại tệ. Các tổ chức sau khi đã ký hợp đồng làm Đại lý đổi ngoại tệ với Tổ chức tín dụng gửi hồ sơ đăng ký cho Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn nơi có nhu cầu đặt Đại lý để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký Đại lý đổi ngoại tệ, hồ sơ gồm: Đơn đăng ký Đại lý đổi ngoại tệ; bản chính hoặc bản sao có chứng thực Hợp đồng Đại lý đổi ngoại tệ đã ký với Tổ chức tín dụng uỷ nhiệm; bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn nơi tổ chức đặt Đại lý đổi ngoại tệ xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký Đại lý đổi ngoại tệ.
Đại lý đổi ngoại tệ có trách nhiệm: niêm yết, thông báo công khai tỷ giá mua ngoại tệ tiền mặt với đồng Việt Nam; tỷ giá mua, bán ngoại tệ giữa Tổ chức tín dụng và Đại lý được thực hiện theo hợp đồng, phù hợp với quy định hiện hành về quản lý ngoại hối; thực hiện chế độ ghi chép hoá đơn mua, bán ngoại tệ, cấp nhận số liệu và sổ sách kế toán theo quy định; chấp hành đúng các quy định trong hợp đồng Đại lý đổi ngoại tệ...
Ngoài ra, Quyết định trên có quy định các nội dung khác như: bán ngoại tệ cho cá nhân xuất cảnh về nước; thời hạn bán ngoại tệ, mức tồn quỹ ngoại tệ; trách nhiệm của Tổ chức tín dụng uỷ nhiệm; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 1216/2003/QĐ-NHNN ngày 09/10/2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế hoạt động của bàn đổi ngoại tệ./.
Thái Hải Yến