Theo đó, giá bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện bao gồm giá mua ghi trên hoá đơn khi cơ sở nhập hàng (giá gốc) và thặng số bán lẻ (chi phí hợp lý và lợi nhuận hợp lý cho việc thực hiện khâu bán lẻ). Thặng số bán lẻ tối đa được Bộ quy định như sau: Trị giá của thuốc tính trên giá gốc của đơn vị đóng gói nhỏ nhất không quá 20% đối với trị giá từ 1000đ trở xuống; không quá 15% đối với trị giá từ trên 1000đ đến 5000đ; không quá 10% đối với trị giá trên 5000đ đến 100.000đ; không quá 7% đối với trị giá trên 100.000đ đến 1.000.000đ; không quá 5% đối với trị giá từ trên 1.000.000đ. Đơn vị đóng gói nhỏ nhất được hiểu là: viên, ống, chai, lọ, túi, gói, tuýp, miếng dán…
Nhà thuốc Bệnh viện muốn hoạt động phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật; có cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân sự; thực hiện niêm yết giá thuốc theo quy định và không được bán cao hơn giá niêm yết …Phạm vi hoạt động chuyên môn của nhà thuốc bệnh viện bao gồm: Bán lẻ thuốc thành phẩm được phép lưu hành; bán lẻ một số loại thuốc chuyên khoa được pha chế theo đơn của bệnh viện; mua hoặc uỷ thác nhập khẩu các thuốc phục vụ cho nhu cầu điều trị của bệnh viện; danh mục thuốc tại nhà thuốc bệnh viện phải đáp ứng đủ danh mục thuốc điều trị cho người bệnh do Hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện công bố.
Ngoài ra, Quyết định cũng quy định rõ: Giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm về hoạt động của nhà thuốc bệnh viện. Trong trường hợp liên doanh, liên kết thì giám đốc đơn vị, hoặc cá nhân liên doanh, liên kết cùng chịu trách nhiệm với giám đốc bệnh viện về hoạt động của nhà thuốc bệnh viện.
Nguyễn Đình Thơ