Về đối tượng nộp thuế
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (Luật năm 2008) không quy định đối tượng nộp thuế là cá nhân. Vì trước đó, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong đó các cá nhân, hộ kinh doanh đang nộp thuế TNDN được chuyển sang nộp thuế theo Luật Thuế thu nhập cá nhân. Do đó, đối tượng nộp thuế TNDN theo Luật năm 2008 chỉ bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Về thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế
Về thu nhập chịu thuế. Thực tế, hoạt động kinh doanh bất động sản bao gồm cả việc bán nhà, tài sản gắn với việc chuyển quyền sử dụng đất nên khó có thể xác định được đâu là thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất và đâu là thu nhập từ bán tài sản trên đất. Vì vậy, để phù hợp với thực tế, Điều 3 Luật năm 2008 quy định thu nhập chịu thuế là thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản thay vì thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất như Luật năm 2003 đã quy định.
Về thu nhập miễn thuế. Luật năm 2003 quy định thu nhập được miễn thuế tại nhiều điều khác nhau như tại Điều 2, Điều 19. Ngoài ra, còn có một số loại thu nhập xét về bản chất và ý nghĩa đối với kinh tế xã hội thì cần xem xét không thu như: các khoản tài trợ dùng cho hoạt động từ thiện, nhân đạo, văn hoá, giáo dục, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học; thu nhập do người sau cai nghiện làm ra... Để phù hợp với thực tế nêu trên, bảo đảm rõ ràng, minh bạch và thể hiện được chính sách điều tiết đối với từng loại thu nhập, Luật năm 2008 quy định rõ thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế (không phải tính thuế) và thu nhập tính thuế trên cơ sở sắp xếp lại các Điều 2, Điều 19 của Luật năm 2003. Các nội dung sửa đổi này được thể hiện trong Điều 3 của Luật - Thu nhập chịu thuế, Điều 4 - Thu nhập được miễn thuế và Điều 7 - Xác định thu nhập tính thuế.
Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
Luật năm 2003 quy định cả chi phí được trừ và chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Nhưng do thực tế nền kinh tế luôn vận động và phát triển theo cơ chế thị trường, hoạt động của doanh nghiệp theo xu hướng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực,… nên đã phát sinh nhiều khoản chi mới mà Luật năm 2003 chưa quy định dẫn đến việc hiểu và vận dụng khác nhau giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, tạo cơ hội để sinh ra cơ chế “xin – cho”.
Khắc phục hạn chế này, Luật năm 2008 quy định điều kiện để xác định khoản chi được trừ, liệt kê cụ thể các khoản không được trừ; những khoản không được liệt kê thì đương nhiên doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập. Nội dung sửa đổi này được thể hiện tại Điều 9 của Luật.
Nơi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Luật năm 2003 quy định doanh nghiệp kê khai, nộp thuế tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đóng trụ sở chính. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp thường có cơ sở kinh doanh tại nhiều địa phương khác với địa phương đặt trụ sở chính. Tại những nơi này, chính quyền địa phương cũng phải cung cấp nhiều dịch vụ phục vụ cho sản xuất, kinh doanh như: bệnh viện, trường học, nhà ở công nhân, vệ sinh môi trường, trật tự trị an... nhưng không có nguồn thu vì thuế TNDN được nộp tại nơi đóng trụ sở chính. Để giải quyết vấn đề này, Điều 12 của Luật năm 2008 đã quy định: Doanh nghiệp nộp thuế tại nơi có trụ sở chính. Trường hợp doanh nghiệp có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với địa bàn nơi doanh nghiệp có trụ sở chính thì số thuế được tính nộp theo tỷ lệ chi phí giữa nơi có cơ sở sản xuất và nơi có trụ sở chính....
Thuế suất và ưu đãi thuế
Về thuế suất. Luật năm 2003 quy định mức thuế suất phổ biến là 28%. Nhưng do tác động của quá trình toàn cầu hoá, cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt nên nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đã sử dụng thuế TNDN như là một công cụ quan trọng để tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư, chẳng hạn Trung Quốc hạ từ 33% xuống còn 25%, Philipines giảm từ 35% xuống 30%.
Vì vậy, để khuyến khích tổng thể nền kinh tế, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp có điều kiện tăng tích luỹ, thêm nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và cũng là tăng khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực, Luật năm 2008 quy định thuế suất phổ biến là 25% thay vì 28% như Luật năm 2003 đã quy định.
Về ưu đãi thuế: Chính sách ưu đãi hiện hành đã và đang bộc lộ nhiều nhược điểm: dàn trải, phức tạp, chưa đáp ứng được yêu cầu là công cụ phân bổ nguồn lực để phát triển kinh tế theo vùng và lãnh thổ, nhất là các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Để chính sách ưu đãi thuế phát huy tác dụng là công cụ tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, có hiệu quả, nâng cao chất lượng nhà đầu tư,… Luật năm 2008 đã quy định ưu đãi về thuế suất được thực hiện theo lĩnh vực hoạt động, chẳng hạn: Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, dạy nghề... được áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10%.
Ngoài những điểm mới trên đây, Luật năm 2008 còn có một số nội dung mới so với Luật năm 2003 như: cách tính thuế, điều kiện ưu đãi thuế,.v.v.
Phạm Văn Dũng