Một số điểm mới của Thông tư 61/2023/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí trong ĐKGDBĐ

30/10/2023
Một số điểm mới của Thông tư 61/2023/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí trong ĐKGDBĐ
Ngày 28 tháng 9 năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư số 61/2023/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm (Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2023, thay thế Thông tư số 202/2016/TT-BTC ngày 09 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm và Thông tư số 113/2017/TT-BTC ngày 20 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 202/2016/TT-BTC).
 

 
 
Thông tư số 61/2023/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm (đăng ký biện pháp bảo đảm) đối với động sản (trừ chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tàu bay), tàu biển, cây hằng năm theo quy định tại Luật Trồng trọt, công trình tạm theo quy định tại Luật Xây dựng, gồm các loại sau đây:
(i) Phí đăng ký giao dịch bảo đảm;
(ii) Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm;
(iii) Phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.
Biểu mức thu phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm được quy định như sau:
1. Phí đăng ký giao dịch bảo đảm:
a/ Đăng ký biện pháp bảo đảm lần đầu bằng động sản (trừ chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tàu bay), tàu biển, cây hằng năm, công trình tạm: 80.000 đồng/hồ sơ
b/ Đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký: 60.000 đồng/hồ sơ
c/ Đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm, đăng ký thay đổi thông báo xử lý tài sản bảo đảm: 30.000 đồng/hồ sơ
d/ Xóa đăng ký biện pháp bảo đảm, xóa đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm: 20.000 đồng/hồ sơ
đ/ Cấp bản sao văn bản chứng nhận nội dung đăng ký biện pháp bảo đảm: 25.000 đồng/trường hợp
2. Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tàu bay), tàu biển, cây hằng năm, công trình tạm: 30.000 đồng/hồ sơ
3. Phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm:
a/ Cấp mã số sử dụng để tự tra cứu một lần:
- Tra cứu dữ liệu theo tiêu chí cơ bản: 10.000 đồng/lần
- Tra cứu dữ liệu theo tiêu chí cơ bản, tiêu chí nâng cao và được cơ quan đăng ký trích xuất dữ liệu: 2.000 đồng/giao dịch
b/ Cấp mã số sử dụng để tự tra cứu thường xuyên:
- Tra cứu dữ liệu theo tiêu chí cơ bản:
- 300.000 đồng/khách hàng/năm đối với yêu cầu cấp mã số trước ngày 01/7 hằng năm.
- 150.000 đồng/khách hàng/năm đối với yêu cầu cấp mã số từ ngày 01/7 hằng năm.
- Tra cứu dữ liệu theo tiêu chí cơ bản, tiêu chí nâng cao và được cơ quan đăng ký trích xuất dữ liệu: 2.000 đồng/giao dịch
 
So với Thông tư số 202/2016/TT-BTC, Thông tư số 61/2023/TT-BTC có một số điểm mới như sau:
- Về phạm vi điều chỉnh, trên cơ sở quy định về cơ quan có thẩm quyền đăng ký, trường hợp đăng ký tại Nghị định số 99/2023/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm (khoản 5 Điều 10, điểm đ khoản 1 Điều 44), Thông tư số 61/2023/TT-BTC bổ sung quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm bằng cây hằng năm theo quy định tại Luật Trồng trọt, công trình tạm theo quy định tại Luật Xây dựng.
- Về áp dụng pháp luật và hiệu lực thi hành: (i) Đối với đăng ký biện pháp bảo đảm bằng chứng khoán, Thông tư số 61/2023/TT-BTC quy định: tổ chức, cá nhân được đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện chi trả tiền sử dụng dịch vụ theo quy định tại Thông tư số 101/2021/TT-BTC ngày 17 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (ghi chú 5 tại Biều mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư); (ii) Tổ chức, cá nhân được đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu bay thực hiện nộp phí theo quy định tại Thông tư số 193/2016/TT-BTC ngày 08 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực hàng không (ghi chú 6 tại Biều mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư); (iii) Thông tư số 61/2023/TT-BTC quy định trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu các văn bản liên quan viện dẫn tại Thông tư số 61/2023/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
- Về các trường hợp không áp dụng quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm tại Thông tư này, trên cơ sở quy định của Nghị định số 99/2023/NĐ-CP về người yêu cầu đăng ký thay đổi, xóa đăng ký là cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền trong một số trường hợp (khoản 2 và khoản 3 Điều 8); về xóa đăng ký theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật hoặc để thực hiện việc chuyển tiếp đăng ký (khoản 2 và khoản 3 Điều 20); về hủy đăng ký (Điều 21); về chỉnh lý sai sót do lỗi của cơ quan đăng ký (Điều 19); về hoạt động cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm hoặc cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu cho cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền (Điều 52); về đăng ký biện pháp bảo đảm của cá nhân, hộ gia đình vay vốn của tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Thông tư số 61/2023/TT-BTC đã bổ sung quy định không áp dụng thu phí đối với những trường hợp nêu trên.
- Về Biểu mức thu phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm ban hành kèm theo Thông tư số 61/2023/TT-BTC, để phù hợp với quy định của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP (điểm b khoản 2 Điều 50), Thông tư số 61/2023/TT-BTC đã bổ sung quy định mức thu phí đối với việc cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu để tự tra cứu một lần hoặc cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu để tự tra cứu thường xuyên. Cụ thể: (i) Đối với mã số sử dụng cơ sở dữ liệu để tự tra cứu một lần, nếu tra cứu dữ liệu theo tiêu chí cơ bản thì mức phí là 10.000 đồng/1 lần tra cứu; nếu tra cứu dữ liệu theo tiêu chí cơ bản, tiêu chí nâng cao và được cơ quan đăng ký trích xuất dữ liệu thì mức phí là 2.000 đồng/1 giao dịch; (ii) Đối với mã số sử dụng cơ sở dữ liệu để tự tra cứu thường xuyên, nếu tra cứu dữ liệu theo tiêu chí cơ bản, mức phí là 300.000 đồng/1 khách hàng/1 năm đối với yêu cầu cấp mã số trước ngày 01/7 hằng năm và 150.000 đồng/1 khách hàng/1năm đối với yêu cầu cấp mã số từ ngày 01/7 hằng năm. Nếu tra cứu dữ liệu theo tiêu chí cơ bản, tiêu chí nâng cao và được cơ quan đăng ký trích xuất dữ liệu, mức phí là 2.000 đồng/1 giao dịch.
Ngoài ra, để thuận tiện trong việc áp dụng, tại phần ghi chú của Biểu mức thu phí nêu rõ: (i) Tiêu chí cơ bản (theo quy định tại Nghị định số 99/2022/NĐ-CP) gồm tra cứu thông tin: theo giấy tờ xác định tư cách pháp lý của bên bảo đảm; theo tên của bên bảo đảm là tổ chức nước ngoài; theo số khung của phương tiện giao thông cơ giới; theo số đăng ký biện pháp bảo đảm; (ii) Tiêu chí nâng cao (theo quy định tại Nghị định số 99/2022/NĐ-CP) gồm tra cứu thông tin: theo loại tài sản bảo đảm (như: phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; tàu cá; phương tiện thủy nội địa; phương tiện giao thông đường sắt; phương tiện chuyên dùng trên đường bộ, đường thủy, đường sắt; hàng hóa…); theo khoảng thời gian; theo bên nhận bảo đảm trong trường hợp bên nhận bảo đảm là người yêu cầu cung cấp thông tin; theo thông tin lịch sử đăng ký biện pháp bảo đảm; (iii) Trích xuất dữ liệu là việc cơ quan đăng ký trích xuất dữ liệu gốc tương ứng với thông tin tra cứu theo tiêu chí cơ bản hoặc nâng cao theo đề nghị của người tra cứu; (iv) Mức phí đăng ký giao dịch bảo đảm quy định tại điểm 1 Biểu mức thu phí không bao gồm cước phí dịch vụ bưu chính trong trường hợp kết quả đăng ký được chuyển, trả thông qua dịch vụ bưu chính.   
- Về tổ chức thu phí, trên cơ sở quy định tại Nghị định số 99/2023/NĐ-CP về việc cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu để thực hiện tra cứu thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu biển (khoản 5 Điều 53), Thông tư số 61/2023/TT-BTC đã bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu để tra cứu thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu biển theo quy định pháp luật về hàng hải thu phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm bằng tàu biển.
- Về quản lý và sử dụng phí, Thông tư số 61/2023/TT-BTC quy định:
(i) Tổ chức thu phí là Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp được để lại 85% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí (bao gồm cả chi phí để Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trang trải cho việc quản lý, vận hành, duy trì Hệ thống đăng ký trực tuyến, cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp); nộp 15% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
(ii) Tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1, khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Thông tư này được để lại 85% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; nộp 15% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
(iii) Tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước quy định tại khoản 1, khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Thông tư này nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc cung cấp dịch vụ, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP được để lại 85% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; nộp 15% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.