Chỉ đạo của Thủ tướng về biện pháp kiềm chế lạm phát

30/06/2008
Ngày 25/6 mới đây, Thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã ký Công văn chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ: Tài chính, Kế hoạch đầu tư, Công thương về thực hiện biện pháp kiềm chế lạm phát và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm 2008.

Công văn nêu rõ: Mặc dù 8 nhóm giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ mới triển khai thực hiện trong một thời gian ngắn, nhưng đã cho thấy là đúng hướng, bước đầu đã phát huy tác dụng, nhận được sự đồng tình và chia sẻ của các tầng lớp dân cư trong xã hội và của cộng đồng quốc tế. Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu:

Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Kịp thời cho vay tái cấp vốn, tái chiết khấu đối với các tổ chức tín dụng để tăng khả năng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp, góp phần thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2008 và tạo điều kiện cho việc phát triển ổn định của nền kinh tế những năm tiếp theo; trên cơ sở đánh giá cụ thể từng tổ chức tín dụng theo chất lượng và mức độ an toàn, tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp, trước hết là đối với các tổ chức tín dụng nhỏ, chưa đáp ứng đủ các quy định vay tái cấp vốn, tái chiết khấu bình thường, nhằm bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động hệ thống ngân hàng một cách an toàn và bền vững; tổ chức tốt hoạt động thị trường liên ngân hàng, bảo đảm hệ thống thanh toán thông suốt, tránh sự ách tắc, ảnh hưởng đến lãi suất trên thị trường tiền tệ; tiếp tục theo dõi, kịp thời điều chỉnh các loại lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cho phù hợp với diễn biến tín hiệu thị trường; trước hết điều chỉnh tăng lãi suất tín phiếu bắt buộc (trên cơ sở sát với lãi suất cơ bản) để các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm chi phí huy động vốn và áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý hơn; thực hiện biện pháp kiểm soát lạm phát thông qua việc điều hành và kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán; bảo đảm duy trì được tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, thấp hơn năm 2007; đồng thời, áp dụng các biện pháp quản lý hữu hiệu để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, hạn chế đến mức thấp nhất phát sinh nợ xấu của các tổ chức tín dụng;.v.v

Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tổng hợp và công bố trong tháng 6/2008 Danh mục, giá trị của dự án đầu tư công trong kế hoạch năm 2008 phải cắt giảm, gồm các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách phân bổ, nguồn Trái phiếu Chính phủ và các nguồn do các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước tự huy động và tự quyết định đầu tư; .v.v.

Trách nhiệm của Bộ Tài chính

Áp dụng biện pháp kéo dài thời hạn nộp thuế, giảm thuế đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh hoạt động chế biến, xuất khẩu; chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng lộ trình quản lý giá một số mặt hàng thiết yếu, để chủ động trong điều hành bình ổn thị trường, giá cả; chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Dân tộc, trình Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, cho vùng khó khăn, vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh... gặp khó khăn khi Nhà nước thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường, giá cả…

Trách nhiệm của Bộ Công thương

Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung, cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu; phối hợp với chính quyền các cấp, các doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tốt mạng lưới phân phối, lưu thông hàng hoá ở thị trường trong nước, đặc biệt là các mặt hàng xăng dầu, lương thực phân bón, sắt thép..; chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt nam rà soát, xác định cụ thể danh mục và mặt hàng cần phải hạn chế nhập khẩu; thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, gắn với áp dụng chính sách thuế, hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, nhằm bảo đảm mức nhập siêu năm 2008 và khoảng 30% kim ngạch nhập khẩu; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với lực lượng công an, các cơ quan và địa phương liên quan tăng cường công tác kiểm tra chống buôn lậu, đầu cơ nâng giá; đồng thời, kiểm soát và yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân tuân thủ quy định về niêm yết giá, bán hàng ở thị trường trong nước phải bằng tiền Việt Nam. Thực hiện xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. Khẩn trương trình Chính phủ ban hành quy định về việc chống đầu cơ, phá giá, lũng đoạn thị trường.

Ngoài ra, Công văn cũng nêu rõ trách nhiệm của một số Bộ, ngành liên quan để đảm bảo thực hiện có hiệu quả những biện pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đã đưa ra.

Nguyễn Đình Thơ