Theo đó, những quan điểm quy hoạch chính của Đề án là bảo đảm TGPL là chính sách xã hội, không vì mục đích lợi nhuận thể hiện trách nhiệm và bản chất Nhà nước pháp quyền XHCN; Đưa TGPL hướng về cơ sở, nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, từng bước xã hội hóa trợ giúp pháp lý; bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững trên cơ sở dự báo được nhu cầu TGPL ngày càng cao của nhân dân.
Năm 2015, đáp ứng được 100% số người yêu cầu TGPL
Đề án khẳng định, giai đoạn từ 2008 - 2010, tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của Trung tâm, chú trọng thành lập Chi nhánh ở vùng xa trung tâm, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các địa bàn được coi là điểm nóng về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, bảo đảm đáp ứng từ 95% đến 98% nhu cầu TGPL của người được TGPL. Đồng thời chú trọng phát triển mạng lưới cộng tác viên TGPL để có thể thu hút những người là cán bộ, công chức trong ngành Tư pháp, trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, các giảng viên luật, luật sư, luật gia tham gia TGPL. Giai đoạn này cũng cần nâng cao trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc đảm bảo nguồn lực cán bộ, cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác TGPL ở địa phương.
Riêng trong năm 2008, sẽ hoàn thành việc kiện toàn tổ chức, bộ máy Trung tâm; tiến hành rà soát lại mạng lưới Tổ, Điểm TGPL hiện có và thành lập các Chi nhánh theo quy định của Luật TGPL tại các huyện xa trung tâm; củng cố mạng lưới CLB TGPL, thành lập mới và duy trì sinh hoạt CLB tại tất cả các xã thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn, miền núi. Phấn đấu đến năm 2010, mỗi Trung tâm có từ 150 cộng tác viên trở lên với 70% số cộng tác viên có trình độ từ đại học trở lên; số Chi nhánh của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ chiếm khoảng 1/3 các đơn vị hành chính cấp huyện cũng như thu hút từ 30 – 40% tổng số tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật (khoảng 1.500 – 2.000 người) đăng ký tham gia TGPL
Còn giai đoạn 2011-2015 sẽ tập trung nâng cao năng lực của Trung tâm nhằm hoàn thành yêu cầu, nhiệm vụ và có đủ khả năng tổ chức, huy động các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đăng ký tham gia TGPL. Tiếp tục thành lập mới Chi nhánh tại các địa bàn nơi đặt Toà án khu vực, bảo đảm 100% địa bàn có toà án khu vực đều thành lập Chi nhánh và ở địa bàn có nhiều người thuộc diện TGPL, giao thông đi lại khó khăn. Dự liệu đủ nguồn lực người thực hiện TGPL để đáp ứng 100% nhu cầu TGPL của nhân dân. Đến năm 2015, thực hiện trong thực tế quyền được lựa chọn người thực hiện TGPL, chú trọng phát triển nguồn nhân lực là nữ và dân tộc thiểu số; mỗi Trung tâm có từ 200 cộng tác viên trở lên và có ít nhất 2 – 3 Trợ giúp viên pháp lý chuyên trách cho mỗi lĩnh vực TGPL quy định tại Điều 34 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP.
5 hoạt động và 6 nhóm giải pháp
Để hoàn thành các mục tiêu trên, sẽ có 5 hoạt động chủ yếu, xuyên suốt trong quá trình thực hiện Đề án. Hoạt động đầu tiên là khảo sát, đánh giá dự báo nhu cầu TGPL và khả năng nguồn cung đáp ứng nhu cầu TGPL theo định kỳ hàng năm cả trước mắt và lâu dài, bảo đảm có đủ cơ sở thực tiễn triển khai thực hiện quy hoạch trên toàn quốc và của từng địa phương. Thứ 2 là, củng cố, kiện toàn Trung tâm phù hợp với quy định của Luật TGPL theo hướng chuyên môn hoá, trong đó chú ý hoàn tất việc đổi tên, xác định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Trung tâm. Tiếp đến là, thành lập các Chi nhánh của Trung tâm, nhất là tại các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi chưa có tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật. Thứ nữa là, phát triển mạng lưới TGPL ở cơ sở (mạng lưới cộng tác viên, CLB TGPL) để hỗ trợ hoạt động cho Trung tâm và Chi nhánh. Cuối cùng là, chuẩn bị tốt nguồn lực thực hiện nhiệm vụ như có chính sách đối với những cán bộ, viên chức đến làm việc tại các Chi nhánh xa trung tâm; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc
Bên cạnh đó, Đề án cũng đưa ra 6 nhóm giải pháp cụ thể: Dự toán tài chính cho hoạt động và dự toán nguồn tài chính bảo đảm thực hiện Quy hoạch (kinh phí dự kiến đến năm 2010 khoảng 450 tỷ đồng, trong đó từ các Chương trình mục tiêu quốc gia 60 tỷ, từ các dự án hợp tác quốc tế 100 tỷ, Quỹ TGPL Việt Nam 20 tỷ, còn lại do ngân sách địa phương); Nhóm giải pháp hoàn thiện về chính sách, pháp luật (ban hành trong năm 2008 các văn bản hướng dẫn thi hành Luật TGPL, rà soát các chính sách khuyến khích, ưu đãi và chế độ đãi ngộ đối với người làm công tác TGPL…); Nhóm giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ (xây dựng và thực hiện tốt Đề án kiện toàn Trung tâm và Chi nhánh tại địa phương, sắp xếp, củng cố và phát triển mạng lưới cộng tác viên…); Nhóm giải pháp tăng cường mối quan hệ phối hợp (gồm quan hệ giữa Trung tâm với các tổ chức tham gia TGPL, giữa các Chi nhánh, giữa các cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp với Trung tâm và Chi nhánh); Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước (tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, hình thành tổ chức chuyên trách đánh giá chất lượng vụ việc TGPL ở TƯ…) và Nhóm giải pháp về kinh phí, cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm hoạt động (đổi mới cơ chế quản lý và sử dụng Quỹ TGPL Việt Nam, tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế về TGPL…).
Cẩm Vân
Theo Đề án, Bộ Tư pháp có các nhiệm vụ như chủ trì, phối hợp với một số Bộ, ngành thành lập Tổ chuyên gia liên ngành xây dựng kế hoạch triển khai Đề án; khảo sát nhu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ dài hạn và thường xuyên, tổ chức các khoá bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL theo lộ trình đề ra; kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Đề án ở các địa phương; thực hiện việc khen thưởng, xử lý vi phạm… |