Quy định mới về tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan nhà nước

15/05/2023
Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 23/2023/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thông tư này quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; bao gồm: tài sản cố định tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội; tài sản cố định là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội quy định tại khoản 1 Điều 69, khoản 2 Điều 70 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thông tư này không điều chỉnh đối với: tài sản cố định đang thuê hoạt động; tài sản cố định bảo quản hộ, giữ hộ, cất giữ hộ Nhà nước hoặc các tổ chức, cá nhân khác; tài sản cố định là tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 64 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao đối với các tài sản này thực hiện theo quy định riêng của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng do Nhà nước đầu tư, quản lý được giao cho đối tượng quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Các loại tài sản cố định
Theo Thông tư số 23/2023/TT-BTC, có 2 cách phân loại tài sản cố định
Phân loại theo tính chất, đặc điểm tài sản:
Theo cách phân loại này, tài sản cố định hữu hình là những tài sản có hình thái vật chất, có kết cấu độc lập hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định; gồm:
- Loại 1: Nhà, công trình xây dựng; gồm: Nhà làm việc; nhà kho; nhà hội trường; nhà câu lạc bộ; nhà văn hóa; nhà tập luyện và thi đấu thể thao; nhà bảo tồn, bảo tàng; nhà trẻ; nhà mẫu giáo; nhà xưởng; phòng học; nhà giảng đường; nhà ký túc xá; phòng khám, chữa bệnh; nhà an dưỡng; nhà khách; nhà ở công vụ và nhà, công trình xây dựng khác.
- Loại 2: Vật kiến trúc; gồm: Kho chứa, bể chứa, bãi đỗ, sân phơi, sân chơi, sân thể thao, bể bơi, giếng khoan, giếng đào, tường rào và vật kiến trúc khác.
- Loại 3: Xe ô tô; gồm: Xe ô tô phục vụ công tác các chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô chuyên dùng, xe ô tô phục vụ lễ tân nhà nước và xe ô tô khác.
- Loại 4: Phương tiện vận tải khác (ngoài xe ô tô); gồm: Phương tiện vận tải đường bộ, phương tiện vận tải đường sắt, phương tiện vận tải đường thủy, phương tiện vận tải hàng không và phương tiện vận tải khác.
- Loại 5: Máy móc, thiết bị; gồm: Máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến; máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị; máy móc, thiết bị chuyên dùng và máy móc, thiết bị khác.
- Loại 6: Cây lâu năm, súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm.
- Loại 7: Tài sản cố định hữu hình khác.
Tài sản cố định vô hình là những tài sản không có hình thái vật chất mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã đầu tư chi phí tạo lập tài sản hoặc được hình thành qua quá trình hoạt động; gồm:
- Loại 1: Quyền sử dụng đất.
- Loại 2: Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.
- Loại 3: Quyền sở hữu công nghiệp.
- Loại 4: Quyền đối với giống cây trồng.
- Loại 5: Phần mềm ứng dụng.
- Loại 6: Thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập.
Tài sản cố định đặc thù là những tài sản không xác định được chi phí hình thành hoặc không đánh giá được giá trị thực nhưng yêu cầu phải quản lý chặt chẽ về hiện vật (như: cổ vật, hiện vật trưng bày trong bảo tàng, lăng tẩm, di tích lịch sử được xếp hạng, tài liệu cổ, tài liệu quý hiếm...), tài sản cố định là thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập.
Căn cứ vào tình hình thực tế và yêu cầu quản lý đối với những tài sản quy định tại điểm này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (sau đây gọi là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ban hành Danh mục tài sản cố định đặc thù thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương (theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này) để thống nhất quản lý.
Phân loại theo nguồn gốc hình thành tài sản:
a) Tài sản cố định hình thành do mua sắm.
b) Tài sản cố định hình thành do đầu tư xây dựng.
c) Tài sản cố định được giao, nhận điều chuyển.
d) Tài sản cố định được tặng cho, khuyến mại (bao gồm cả trường hợp nhà cung cấp đổi tài sản cũ bằng tài sản mới sau một thời gian sử dụng theo chính sách của nhà sản xuất/nhà cung cấp).
đ) Tài sản cố định khi kiểm kê phát hiện thừa (chưa được theo dõi trên sổ kế toán).
e) Tài sản cố định đơn vị sự nghiệp công lập được nhận sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết theo quy định tại khoản 6 Điều 47 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau đây gọi là Nghị định số 151/2017/NĐ-CP).
g) Tài sản cố định được hình thành từ nguồn khác.
Tính hao mòn tài sản cố định thực hiện mỗi năm 01 lần vào tháng 12
Thông tư nêu rõ, việc tính hao mòn tài sản cố định thực hiện mỗi năm 01 lần vào tháng 12, trước khi khóa sổ kế toán.
Đối với tài sản cố định mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận từ cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp khác theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong năm thì việc tính hao mòn trong năm đó được thực hiện tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận tài sản.
Mức hao mòn hàng năm của từng tài sản cố định (trừ trường hợp quy định riêng) được xác định theo công thức sau:
Mức hao mòn hàng năm của từng tài sản cố định= Nguyên giá của tài sản cố định x Tỷ lệ hao mòn (% năm)
Trong đó, tỷ lệ hao mòn được xác định theo quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này, quy định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 13 Thông tư này.
Thông tư này thay thế Thông tư số 45/2018/TT-BTC ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.