Các nội dung sửa đổi
Căn cứ kết quả nghiên cứu, khảo sát và quy định tại một số văn bản luật đã được Quốc hội ban hành gần đây trong các lĩnh vực xây dựng, sở hữu trí tuệ, dầu khí..., Đ1 K2 Pháp lệnh quy định sửa đổi mức quy định nâng mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước tại Điều 14 của Pháp lệnh năm 2002. Theo đó, mức phạt tiền tối đa sẽ là 500 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chứng khoán, xây dựng, đất đai, ngân hàng, sở hữu trí tuệ, quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, nghiên cứu thăm dò nguồn lợi hải sản, dầu khí và các loại khoáng sản khác.
Về thẩm quyền xử phạt VPHC, đây là nội dung được sửa đổi “đậm nét” nhất trong Pháp lệnh. Cụ thể, Đ1 K4, 5 và 6 Pháp lệnh quy định sửa đổi theo hướng nâng thẩm quyền phạt tiền cho một số chức danh ở cấp cơ sở như Chủ tịch UBND cấp xã từ 500.000 đồng lên 2 triệu đồng, Chủ tịch UBND cấp huyện từ 20 triệu đồng lên 30 triệu đồng; Chiến sĩ Cảnh sát nhân dân từ 100.000 đồng lên 200.000 đồng… để việc xử phạt được tiến hành nhanh chóng, khắc phục tình trạng vụ việc phải chuyển lên cấp trên xử phạt; Tại các khoản 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14 của Đ1 Pháp lệnh quy định sửa đổi nâng thẩm quyền phạt tiền của một số chức danh cấp cơ sở của các cơ quan có thẩm quyền xử phạt đã được quy định trong Pháp lệnh năm 2002 như Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm…; Tại các khoản 9, 15 của Đ1 Pháp lệnh quy định bổ sung các chức danh có thẩm quyền xử phạt trên tinh thần ghi nhận các chức danh này do các luật, pháp lệnh khác quy định như Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan của Tổng cục Hải quan; người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được uỷ quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt nam ở nước ngoài, Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước; Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh và Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh...; Tại K16 Đ1 Pháp lệnh quy định thẩm quyền xử phạt của cấp phó của những người có thẩm quyền xử phạt quy định tại các điều của Chương IV Pháp lệnh năm 2002 theo hướng những người này được uỷ quyền bằng văn bản thực hiện thẩm quyền XLVPHC của cấp trưởng trong phạm vi lĩnh vực được phân công quản lý và phải chịu trách nhiệm về quyết định xử lý của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật
Về thủ tục xử phạt VPHC, Pháp lệnh mở rộng thẩm quyền lập biên bản cho người thi hành công vụ trong phạm vi quản lý của họ; nếu thuộc thẩm quyền thì tiến hành lập biên bản xử phạt, nếu không thuộc thẩm quyền thì phải chuyển ngay biên bản cho người có thẩm quyền xử phạt nhằm khắc phục một số khó khăn trong thực tiễn như một số chức danh có thẩm quyền xử phạt (Chủ tịch UBND các cấp, Chánh thanh tra các Bộ, ngành…) nhưng ít khi trực tiếp đi kiểm tra, phát hiện vi phạm mà công việc này do cán bộ, nhân viên đang thi hành công vụ phát hiện song theo quy định từ năm 2002, họ lại không có thẩm quyền lập biên bản (Đ1 K22).
K1 Đ61 Pháp lệnh năm 2002 về vấn đề xử lý tang vật, phương tiện VPHC được Pháp lệnh mới sửa đổi theo hướng không phân cấp việc xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu theo trị giá tang vật, phương tiện mà theo hướng trường hợp tang vật, phương tiện VPHC do người có thẩm quyền của cơ quan TƯ ra quyết định tịch thu thì giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá (DVBĐG) cấp tỉnh nơi xảy ra hành vi vi phạm để bán đấu giá. Trường hợp tang vật, phương tiện VPHC do người có thẩm quyền của cơ quan cấp tỉnh ra quyết định tịch thu thì giao cho Trung tâm DVBDG cấp tỉnh nơi cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu đóng trụ sở để bán đấu giá. Trường hợp tang vật, phương tiện VPHC do người có thẩm quyền của cơ quan cấp huyện trở xuống ra quyết định tịch thu thì thành lập Hội đồng BĐG của cấp huyện để BĐG. Đối với tang vật, phương tiện bị tịch thu mà không bán được thì cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu thành lập hội đồng để thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật (Đ1 K21 Pháp lệnh).
K29 Đ1 Pháp lệnh sửa đổi Điều 113 Pháp lệnh năm 2002 theo hướng trường hợp đối tượng vừa là đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh vừa là đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục hoặc trường giáo dưỡng thì vẫn đưa vào cơ sở chữa bệnh nhưng trong giai đoạn cắt cơn, phục hồi mà tiếp tục có các hành vi vi phạm thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục hoặc trường giáo dưỡng thì sẽ chuyển sang áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục hoặc trường giáo dưỡng. Trong trường hợp đối tượng nghiện ma tuý thuộc loại côn đồ hung hãn thì áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng ngay từ đầu để thực hiện việc cai nghiện.
Những nội dung bổ sung
K3 Đ1 Pháp lệnh bổ sung quy định cơ quan quản lý có thẩm quyền sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan mình để thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra trong một số trường hợp như đối tượng vi phạm bỏ trốn hoặc không thể thực hiện được biện pháp khắc phục hậu quả mà việc khắc phục hậu quả là thật cần thiết để kịp thời bảo vệ môi trường, đảm bảo giao thông và trật tự, an toàn xã hội. Cá nhân, tổ chức VPHC phải hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả
Đ1 K23 Pháp lệnh bổ sung việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để phát hiện, truy tìm đối tượng VPHC như camera, máy đo tốc độ bằng hình ảnh hoặc phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khác. Chứng cứ thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được thể hiện trong biên bản vi phạm hành chính. Quy chế quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
K27 Đ1 Pháp lệnh bổ sung quy định khi nhận được quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC, tổ chức tín dụng nơi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế thi hành mở tài khoản có trách nhiệm giữ lại trong tài khoản của cá nhân, tổ chức đó số tiền tương đương với số tiền mà cá nhân, tổ chức phải nộp theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế và trong thời hạn 10 ngày phải thực hiện trích chuyển vào ngân sách nhà nước, kể cả trường hợp số dư tài khoản không đủ để nộp. Nếu tổ chức tín dụng không thực hiện việc giữ lại thì phải nộp thay và cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có trách nhiệm hoàn trả số tiền tổ chức tín dụng đã nộp. Trường hợp tổ chức tín dụng không trích chuyển sẽ bị phạt số tiền tương ứng với số tiền không trích chuyển nhưng tối đa không quá 500 triệu đồng.
Cẩm Vân