Theo quy định tại Nghị định, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bình đẳng giới trong phạm vi cả nước; Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước về bình đẳng giới; Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về bình đẳng giới trong phạm vi địa phương theo phân cấp của Chính phủ.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về sự tham gia quản lý nhà nước về bình đẳng giới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Hội Liên hiệp phụ nữ.
Đặc biệt, trong Chương III Nghị định quy định về phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương:
- Phối hợp việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Phối hợp trong việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật;
- Phối hợp trong việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật và kiến thức về giới và bình đẳng giới, trong đó nhấn mạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đưa nội dung về giới và bình đẳng giới vào các chương trình giáo dục trong nhà trường phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo; Uỷ ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức và chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc ít người; vận động đồng bào dân tộc ít người phát huy các phong tục, tập quán và truyền thống tốt đẹp của dân tộc phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới;
- Phối hợp trong việc thống kê, thu thập, cung cấp thông tin, số liệu về giới và bình đẳng giới; Phối hợp trong việc xây dựng các báo cáo quốc gia về bình đẳng giới;
- Phối hợp trong việc bảo đảm điều kiện về nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo./.
Thái Hải Yên