Tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng kết hợp hoạt động lao động sản xuất

09/06/2021
Ngày 07/6/2021, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 58/2021/TT-BQP hướng dẫn thực hiện quy định về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Cụ thể, đối tượng áp dụng của Thông tư bao gồm: Đơn vị quân đội, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Quân đội nhân dân. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực tiếp làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh. Tổ chức, cá nhân được tiếp tục sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Thông tư quy định các trường hợp không phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm: Đơn vị (trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư) sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế bằng nguồn lực của đơn vị theo các trường hợp quy định tại Điều 4 Nghị định số 26/2021/NĐ-CP đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất.
Đối với các trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, thuê đất hằng năm, gồm: Đơn vị tiếp tục thực hiện dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết theo phương án xử lý được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 3 Thông tư này. Đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (sau đây viết gọn là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo) sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo phương án sử dụng đất được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt. Ngoài ra, Doanh nghiệp quân đội sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo phương án xử lý hoặc phương án sử dụng đất được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt; doanh nghiệp quân đội thuộc danh mục cổ phần hóa, thoái vốn được tiếp tục sử dụng đất quốc phòng theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 Nghị quyết số 132/2020/QH14 và Công ty có cổ phần, vốn góp của Nhà nước do Bộ Quốc phòng cử Người đại diện, công ty cổ phần đang sử dụng đất quốc phòng theo hợp đồng thuê đất, hợp đồng sử dụng đất đã ký với Bộ Quốc phòng trước ngày có hiệu lực của Nghị quyết số 132/2020/QH14, tiếp tục nộp tiền sử dụng đất hằng năm theo hợp đồng đã ký và theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị quyết số 132/2020/QH14.
Việc xây dựng phương án sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm thực hiện như sau: Đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đầu mối thuộc quyền rà soát, xác định diện tích đất quốc phòng sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế không phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm, lập hồ sơ phương án sử dụng đất theo quy định tại Điều 7 Thông tư này báo cáo về đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng để tổng hợp. Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 26/2021/NĐ-CP, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng phê duyệt phương án sử dụng đất, báo cáo về Bộ Quốc phòng. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày phê duyệt phương án sử dụng đất, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng gửi phương án đã được phê duyệt về Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng để tổng hợp, theo dõi.
Trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 4 Nghị định số 26/2021/NĐ-CP, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng lập Tờ trình theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định số 26/2021/NĐ-CP cùng hồ sơ phương án sử dụng đất gửi Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng tổ chức thẩm định, báo cáo Bộ Tổng Tham mưu cho ý kiến. Căn cứ kết quả thẩm định phương án và ý kiến của Bộ Tổng Tham mưu, Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định phê duyệt.
Còn đối với việc xây dựng phương án sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm được thực hiện như sau: Đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng chỉ đạo đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo thuộc quyền, doanh nghiệp quân đội được giao quản lý thực hiện rà soát, xác định diện tích đất quốc phòng sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, lập hồ sơ phương án sử dụng đất của từng điểm đất theo quy định tại Điều 7 Thông tư này để tổng hợp, báo cáo. Đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng lập Tờ trình theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định số 26/2021/NĐ-CP cùng hồ sơ từng phương án sử dụng đất gửi Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng tổ chức thẩm định. Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức thẩm định, báo cáo Bộ Tổng Tham mưu cho ý kiến, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, phê duyệt theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định số 26/2021/NĐ-CP .
Doanh nghiệp quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng rà soát, xác định diện tích đất quốc phòng đang sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế tại các đơn vị trực thuộc, doanh nghiệp thành viên, lập hồ sơ phương án sử dụng đất của từng điểm đất theo quy định tại Điều 7 Thông tư này để tổng hợp, báo cáo. Doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng lập Tờ trình theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định số 26/2021/NĐ-CP cùng hồ sơ phương án sử dụng đất gửi Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức thẩm định. Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức thẩm định, báo cáo Bộ Tổng Tham mưu cho ý kiến, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, phê duyệt theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định số 26/2021/NĐ-CP .
Diện tích đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để xác định tiền sử dụng đất hằng năm không bao gồm diện tích đất của các công trình phúc lợi, bãi thử vũ khí, trường bắn, thao trường huấn luyện, diện tích trồng rừng, diện tích vườn hoa và cây cảnh.
Doanh thu từ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh để xác định tiền sử dụng đất hằng năm bao gồm doanh thu từ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh do cấp có thẩm quyền đặt hàng, giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp quân đội và đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo thực hiện theo giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.