Một số điểm mới của Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Điều lệ Đảng

23/08/2021
Ngày 30/7/2021, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 24-QĐ/TW Quy định thi hành Điều lệ Đảng (Quy định 24) thay thế cho Quy định số 29-QĐ/TW ngày 25/7/2016 (Quy định 29). Qua nghiên cứu nội dung cơ bản của Quy định số 24 và đối chiếu với Quy định số 29 cho thấy có một số điểm mới chủ yếu sau đây:
1. Về trình độ học vấn của người vào Đảng: Theo Quy định 29 người vào Đảng phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên. Quy định 24 kế thừa các nội dung nêu trên nhưng không còn quy định nội dung “tương đương trở lên”, theo đó, về trình độ học vấn, người vào Đảng phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.
2. Về quyền của đảng viên: Quy định 24 kế thừa các nội dung của Quy định 29 nhưng bổ sung nội dung của quyền được thông tin của đảng viên, theo đó, các cấp ủy đảng thông tin cho đảng viên về tình hình, nhiệm vụ của địa phương và các thông tin đột xuất do Ban Tuyên giáo Trung ương, cấp ủy cấp trên cung cấp.
3. Về giới thiệu và kết nạp người vào Đảng: Theo Quy định 29, Đảng viên giới thiệu người vào Đảng là đảng viên chính thức, cùng công tác, lao động, học tập ít nhất 12 tháng với người được giới thiệu vào Đảng trong cùng một đơn vị thuộc phạm vi lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ cơ sở. Kế thừa nội dung trên, Quy định 24 bổ sung trường hợp “đảng viên chính thức cùng sinh hoạt nơi cư trú với người vào Đảng ít nhất 12 tháng” thuộc trường hợp đảng viên giới thiệu người vào Đảng và bổ sung nội dung “hoặc cùng sinh hoạt nơi cư trú với người vào Đảng ít nhất 12 tháng” tại điểm 3.2.2 và “nơi người vào Đảng công tác, lao động, học tập, cư trú” tại điểm 3.4.1 cho đồng bộ với nội dung bổ sung.
4. Về điều kiện của người được xét kết nạp lại vào Đảng: Theo Quy định 29, một trong các điều kiện của người được xét kết nạp lại vào Đảng là ít nhất là 36 tháng kể từ khi ra khỏi Đảng (riêng người bị án hình sự về tội ít nghiêm trọng thì phải sau 60 tháng kể từ khi được xoá án tích), làm đơn xin kết nạp lại vào Đảng; phải được ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ (hoặc tương đương) đồng ý bằng văn bản, cấp uỷ có thẩm quyền (huyện uỷ và tương đương) xem xét, quyết định. Kế thừa nội dung trên, Quy định 24 bổ sung thêm trường hợp đảng viên đã bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình thì thực hiện theo quy định của Ban Bí thư.
5. Về trường hợp kết nạp người vào Đảng và công nhận đảng viên chính thức sai quy định: Để xử lý vấn đề quyết định kết nạp người vào Đảng và công nhận đảng viên chính thức không đúng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 1 Điều lệ Đảng khi tổ chức đảng ban hành quyết định kết nạp đảng viên đã giải thể hoặc bị giải tán, Quy định số 24 bổ sung nội dung “Cấp uỷ có thẩm quyền nơi đảng viên đang sinh hoạt huỷ bỏ quyết định kết nạp đảng viên không đúng tiêu chuẩn, điều kiện” và “Cấp uỷ có thẩm quyền nơi đảng viên đang sinh hoạt tiến hành thẩm tra, xác minh và làm lại các thủ tục theo quy định”.
6. Về phát thẻ và quản lý thẻ đảng viên, ghi hồ sơ đảng viên: Để phù hợp với thực tiễn khi Đảng bộ Ngoài nước đã hợp nhất với Đảng bộ Bộ Ngoại giao, Quy định số 24 bỏ nội dung "đảng viên thuộc Đảng bộ Ngoài nước do Đảng ủy Ngoài nước xem xét, ra quyết định" trong quy định về phát thẻ đảng viên; bổ sung quy định Đảng uỷ Bộ Ngoại giao là cơ quan có thẩm quyền quản lý hồ sơ đảng viên, thẻ đảng viên và danh sách đảng viên trong Đảng bộ theo quy định của Ban Bí thư và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và “Đối với đảng viên ra nước ngoài công tác, lao động, học tập từ 12 tháng trở lên, cấp uỷ quản lý hồ sơ đảng viên hướng dẫn bổ sung lý lịch khi đảng viên về nước”.
7. Về thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình: Quy định 24 bổ sung căn cứ để xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng là quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp uỷ. Đối với nội dung thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình hằng năm, Quy định 24 bổ sung nội dung “kiểm điểm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên” và không quy định nội dung “gắn với tổng kết năm” như Quy định 29. Đồng thời bổ sung nội dung “tiêu cực”; “thực hiện các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên” vào nội dung cần làm rõ khi kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đối với cá nhân cấp uỷ viên, uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ, uỷ viên đảng đoàn, ban cán sự đảng, uỷ viên uỷ ban kiểm tra cuối nhiệm kỳ Đại hội.
8. Về đề cử và bầu đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên: Quy định 24 bổ sung nội dung “chỉ được đề cử đại biểu chính thức của đại hội để bầu làm đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên” và làm rõ các trường hợp không được cử đại biểu dự khuyết thay thế đại biểu chính thức.
9. Về lập các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp uỷ: Quy định 24 bổ sung nội dung “Đảng bộ cấp trên trực tiếp tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương: Các cơ quan tham mưu, giúp việc của đảng uỷ hợp nhất với các cơ quan chuyên môn của doanh nghiệp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để thực hiện công tác kiểm tra, tổ chức, tuyên giáo và văn phòng” và nội dung “Không thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của tổ chức cơ sở đảng. Những đảng bộ cơ sở mà đảng uỷ được giao quyền hoặc thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở thực hiện theo Tiết a, Điểm 10.5.2 của Quy định này”.
10. Về thẩm quyền quyết định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế của cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam). Quy định 24 bổ sung nội dung ở cấp Trung ương sẽ do Bộ Chính trị quyết định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế; ở cấp tỉnh, cấp huyện do Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế; thay quy định “Ban Tổ chức” thành “ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ” quản lý, định kỳ báo cáo Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương).
11. Về sinh hoạt định kỳ của đảng bộ cơ sở, chi bộ: Quy định số 24 bổ sung nội dung “Việc thí điểm sinh hoạt trực tuyến ở một số đảng bộ, chi bộ đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt theo hướng dẫn của Ban Bí thư”.
12. Về Đảng uỷ cơ sở được uỷ quyền quyết định kết nạp và khai trừ đảng viên, Quy định 24 thay thế điều kiện “được công nhận đạt tiêu chuẩn Đảng bộ trong sạch vững mạnh” thành điều kiện “được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ 3 năm liên tục trở lên” để  đảng bộ cơ sở ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang được cấp uỷ cấp trên trực tiếp xem xét, ra quyết định uỷ quyền quyết định kết nạp đảng viên, thi hành kỷ luật khai trừ đảng viên.
13. Về Ủy ban kiểm tra: Quy định 24 chỉ quy định về cơ quan Ủy ban kiểm tra; không quy định cụ thể về việc thành lập và cơ cấu tổ chức của Ủy ban kiểm tra các cấp; cơ chế làm việc của ủy ban kiểm tra cũng như mối quan hệ giữa ủy ban kiểm tra với cấp ủy cùng cấp và Ủy ban kiểm tra cấp trên do nội dung này đã được quy định cụ thể tại Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương.
14. Về tiêu chuẩn, đối tượng tặng Huy hiệu Đảng: Quy định 24 thay quy định “Đảng viên bị bệnh nặng có thể được xét tặng Huy hiệu Đảng sớm, nhưng thời gian xét tặng sớm không được quá một năm so với quy định” thành nội dung “Đảng viên bị bệnh nặng hoặc từ trần có thể được xét tặng, truy tặng Huy hiệu Đảng sớm, nhưng không được quá một năm; đảng viên 70 năm, 75 năm, 80 năm, 85 năm, 90 năm tuổi đảng trở lên nếu bị bệnh nặng có thể được xét tặng Huy hiệu Đảng sớm, nhưng không được quá hai năm theo quy định”. Đồng thời bổ sung quy định chưa xét tặng Huy hiệu đảng đối với Đảng viên bị kỷ luật về Đảng bằng hình thức khiển trách; bổ sung quy định về xét tặng Huy hiệu Đảng đối với đảng viên bị kỷ luật về Đảng nhưng sau một thời gian sửa chữa tốt khuyết điểm, được chi bộ công nhận sẽ được xét tặng Huy hiệu Đảng cụ thể là: sau 6 tháng (đối với kỷ luật khiển trách), 9 tháng (đối với kỷ luật cảnh cáo), 1 năm (đối với kỷ luật cách chức), nếu sửa chữa tốt khuyết điểm, được chi bộ công nhận sẽ được xét tặng Huy hiệu Đảng.
15. Về các nội dung khác: Quy định 24 bổ sung “giới thiệu cán bộ ứng cử” trong nội dung quản lý cán bộ tại điểm 28.1.2; thay thế Quốc hội bằng Ủy ban thường vụ Quốc hội trong quy định về Ban Bí thư giới thiệu chức danh thuộc diện Ban Bí thư quản lý để phê chuẩn tại tiết a, điểm 28.2.2; bổ sung nội dung “hoặc cấp có thẩm quyền quyết định” tại tiết b, điểm 28.2.2 và việc thành lập Ban cán sự đảng thuộc Kiểm toán nhà nước tại điểm 30.1; điều chỉnh thời gian họp định kỳ của Đảng đoàn, ban cán sự đảng từ 03 tháng một lần thành một tháng một lần tại điểm 31.1.3 và quy định rõ “Các quy định trước đây trái với nội dung Quy định này đều bãi bỏ” tại Mục 35; bổ sung  quy định về việc kết nạp người vào Đảng ở nơi chưa có đảng viên, chưa có chi bộ tại điểm 3.4.1; bổ sung các quy định có liên quan đến đơn vị hành chính thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; thay tên cơ quan làm công tác đảng, công tác chính trị và công tác quần chúng trong Công an nhân dân để phù hợp với thay đổi về cơ cấu tổ chức trong Công an nhân dân. Đồng thời làm rõ chức năng tham mưu thực hiện công tác đảng, công tác chính trị và công tác quần chúng trong Đảng bộ Công an Trung ương; tham mưu, giúp Đảng uỷ Công an Trung ương phối hợp với cấp uỷ địa phương chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị và công tác quần chúng trong lực lượng công an địa phương của cơ quan này./.
Đỗ Xuân Lân, Chánh Văn phòng Đảng – Đoàn thể, Bộ Tư pháp