Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2021/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
Theo đó, quỹ hợp tác xã là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc là tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình hợp tác xã, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn, tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong huy động vốn và sử dụng vốn nhằm thực hiện chức năng cho vay cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thành viên của tổ hợp tác và hợp tác xã theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Quỹ hợp tác xã có chức năng tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn vốn trong nước và ngoài nước, các nguồn tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nước theo quy định; cho vay cho khách hàng; thực hiện các hoạt động tư vấn tài chính và đầu tư; đào tạo cho các khách hàng vay vốn của Quỹ theo quy định của pháp luật; ủy thác, nhận ủy thác theo quy định và pháp luật có liên quan.
Mô hình Quỹ hợp tác xã trung ương
Quỹ hợp tác xã trung ương là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định.
Cơ cấu tổ chức, bộ máy của Quỹ hợp tác xã trung ương gồm: Chủ tịch Quỹ; kiểm soát viên; Ban điều hành (gồm: Tổng Giám đốc, các Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc).
Mỗi tỉnh, TP chỉ được thành lập 1 Quỹ hợp tác xã địa phương
Nghị định quy định các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét thành lập Quỹ hợp tác xã địa phương trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn, đảm bảo việc thành lập là cần thiết, khả thi và đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Trường hợp cần thiết phải thành lập, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ được thành lập 01 Quỹ hợp tác xã địa phương theo quy định.
Điều kiện thành lập mới Quỹ hợp tác xã địa phương gồm: 1- Có Đề án thành lập Quỹ hợp tác xã địa phương được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đề án phải bao gồm các nội dung cơ bản quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này; 2- Có vốn điều lệ tối thiểu tại thời điểm thành lập Quỹ hợp tác xã là 20 tỷ đồng; 3- Có Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hợp tác xã địa phương đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định tại Điều 19 Nghị định này.
Theo quy định, quỹ hợp tác xã địa phương hoạt động theo một trong hai mô hình sau: 1- Mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 2- Mô hình hợp tác xã.
Cơ cấu tổ chức, bộ máy của Quỹ hợp tác xã địa phương gồm: Chủ tịch Quỹ; kiểm soát viên; Ban điều hành (gồm: Giám đốc, các Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc).