Nhiều chính sách có nội dung quan trọng sẽ có hiệu lực trong tháng 12/2020 như: Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản; Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công...
Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản
Nghị định số 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 07/10/2020 có hiệu lực vào ngày 01/12/2020 gồm 5 chương 44 điều quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Nghị định quy định, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản là 200.000.000 đồng đối với tổ chức và 100.000.000 đồng đối với cá nhân.
Trong đó, mức phạt đối với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên báo chí lên tới 100 triệu đồng, cụ thể: Nếu gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng: Phạt từ 05 - 10 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 01 – 03 triệu đồng); Nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng: Phạt từ 50 - 70 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 05 – 10 triệu đồng); Nếu gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng: Phạt từ 70 - 100 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 20 – 30 triệu đồng). Trong cả 03 trường hợp nêu trên, báo chí đều buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng tải. Đồng thời, riêng trường hợp đăng thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, báo chí còn có thể bị đình chỉ hoạt động từ 01 - 12 tháng (trước đây chỉ bị đình chỉ hoạt động từ 01 – 03 tháng).
Trình tự, thủ tục giải thể bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập
Gồm 4 chương 30 điều, Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 07/10/2020 có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2020 quy định về nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể và tự chủ về tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập.
Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành sẽ thay thế Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; bãi bỏ các nội dung quy định về tự chủ tổ chức bộ máy và Hội đồng quản lý quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Phạt tiền đến 200.000.000 đồng đối với người nộp thuế là tổ chức thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế
Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn của Chính phủ được ban hành vào ngày 19/10/2020 có hiệu lực kể từ ngày 05/12/2020 gồm 5 chương 47 điều quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và một số thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
Nghị định này không áp dụng đối với vi phạm hành chính về phí, lệ phí; vi phạm hành chính về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do cơ quan hải quan quản lý thu và vi phạm quy định về thủ tục đăng ký thuế, vi phạm quy định về thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh, thông báo tiếp tục hoạt động kinh doanh trước thời hạn với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã của các tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh.
Nghị định nêu rõ mức phạt tiền khi xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn như sau:
Phạt tiền tối đa không quá 100.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn. Phạt tiền tối đa không quá 50.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn.
Phạt tiền tối đa không quá 200.000.000 đồng đối với người nộp thuế là tổ chức thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế. Phạt tiền tối đa không quá 100.000.000 đồng đối với người nộp thuế là cá nhân thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế.
Phạt 20% số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn.
Phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế.
10 trường hợp người nộp thuế bị công khai thông tin từ ngày 05/12/2020
Có hiệu lực ngày 05/12, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế gồm 9 chương 44 điều. Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế áp dụng đối với việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, trừ nội dung quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, áp dụng hoá đơn, chứng từ, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và hoá đơn, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Trong đó, Nghị định quy định 10 trường hợp người nộp thuế bị công khai thông tin từ ngày 05/12/2020:
Trốn thuế, tiếp tay cho hành vi trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, vị phạm pháp luật về thuế rồi bỏ trốn khỏi trụ sở kinh doanh.
Không nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.
Ngừng hoạt động, chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
Các hành vi vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân khác.
Không thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật như: Từ chối không cung cấp thông tin tài liệu cho cơ quan quản lý thuế, không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra và các yêu cầu khác của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
Chống, ngăn cản công chức thuế, công chức hải quan thi hành công vụ.
Quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước hoặc hết thời hạn chấp hành các quyết định hành chính về quản lý thuế mà người nộp thuế hoặc người bảo lãnh không tự nguyện chấp hành.
Cá nhân, tổ chức không chấp hành các quyết định hành chính về quản lý thuế mà có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn.
Phát hành, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.
Các thông tin khác được công khai theo quy định của pháp luật.
02 trường hợp người giải quyết khiếu nại có thể bị cắt chức
Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật khiếu nại sẽ có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2020 gồm 7 chương 44 điều có quy định về 02 trường hợp người giải quyết khiếu nại có thể bị cắt chức, cụ thể:
Hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi có một trong các hành vi vi phạm sau:
Vi phạm nghiêm trọng trong việc thực hiện thủ tục giải quyết khiếu nại gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội hoặc gây hậu quả chết người.
Cố ý ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trái pháp luật gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội hoặc gây hậu quả chết người.
Ngoài ra, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại vi phạm một trong những hành vi sau đây sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo:
Cố ý không thụ lý giải quyết khiếu nại đối với khiếu nại đủ điều kiện thụ lý.
Cố ý không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.
Cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc.
Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị
Ngày 30/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 12 năm 2020, bao gồm 8 chương 25 điều quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Huynh Le -THADS