Quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng

25/10/2020
Ngày 21 tháng 10 năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 09/2020/TT-NHNN quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng

Thông tư này quy định những yêu cầu tối thiểu về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng. Thông tư áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, công ty thông tin tín dụng, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, Nhà máy in tiền quốc gia, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức) có thiết lập và sử dụng hệ thống thông tin phục vụ cho một hoặc nhiều hoạt động kỹ thuật, nghiệp vụ của tổ chức.
Các quy định về bảo đảm an toàn thông tin
Đối với việc quản lý tài sản công nghệ thông tin, Thông tư quy định như sau: Các loại tài sản công nghệ thông tin bao gồm: Tài sản thông tin: các dữ liệu, thông tin ở dạng số được xử lý, lưu trữ thông qua hệ thống thông tin; Tài sản vật lý: các thiết bị công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông, vật mang tin và các thiết bị phục vụ cho hoạt động của hệ thống thông tin; Tài sản phần mềm: các phần mềm hệ thống, phần mềm tiện ích, phần mềm lớp giữa, hệ quản trị cơ sở dữ liệu, chương trình ứng dụng, mã nguồn và công cụ phát triển. Tổ chức lập danh sách của tất cả các tài sản công nghệ thông tin gắn với từng hệ thống thông tin theo quy định tại khoản 9, Điều 5 Thông tư này. Định kỳ hàng năm rà soát và cập nhật danh sách tài sản công nghệ thông tin. Căn cứ theo cấp độ của hệ thống thông tin, tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ phù hợp với từng loại tài sản công nghệ thông tin. Căn cứ phân loại tài sản công nghệ thông tin tại khoản 1 Điều này, tổ chức xây dựng và thực hiện các quy định về quản lý và sử dụng tài sản theo quy định tại Điều 8, 9, 10, 11 và Điều 12 Thông tư này.
Đối với quản lý tài sản thông tin: Với mỗi hệ thống thông tin, tổ chức phải lập danh sách tài sản thông tin, quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của cá nhân hoặc bộ phận của tổ chức được tiếp cận, khai thác và quản lý; Tài sản thông tin phải phân loại theo loại thông tin quy định tại Điều 4 Thông tư này; Tài sản thông tin thuộc loại thông tin bí mật phải được mã hóa hoặc có biện pháp bảo vệ để bảo mật thông tin trong quá trình tạo lập, trao đổi, lưu trữ; Tài sản thông tin trên hệ thống thông tin từ cấp độ 3 trở lên phải áp dụng phương án chống thất thoát dữ liệu.
Đối với quản lý tài sản vật lý: Tài sản vật lý là thiết bị di động, vật mang tin, ngoài các quy định tại Điều này, phải được quản lý theo quy định tại Điều 11, Điều 12 Thông tư này. Với mỗi hệ thống thông tin do tổ chức trực tiếp quản lý, tổ chức phải lập danh sách tài sản vật lý gồm các thông tin cơ bản sau: tên tài sản, giá trị, vị trí lắp đặt, chủ thể quản lý, mục đích sử dụng, tình trạng sử dụng, hệ thống thông tin tương ứng. Tài sản vật lý phải được giao, gán trách nhiệm cho cá nhân hoặc bộ phận quản lý, sử dụng.. Tài sản vật lý khi mang ra khỏi trụ sở của tổ chức phải được sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền và phải thực hiện biện pháp bảo vệ để bảo mật thông tin lưu trữ trên tài sản nếu tài sản đó có chứa thông tin bí mật. Tài sản vật lý có lưu trữ thông tin bí mật khi thay đổi mục đích sử dụng hoặc thanh lý phải được thực hiện các biện pháp tiêu hủy hoặc xóa thông tin bí mật đó bảo đảm không có khả năng phục hồi. Trường hợp không thể tiêu hủy được thông tin bí mật, tổ chức thực hiện biện pháp tiêu hủy cấu phần lưu trữ dữ liệu trên tài sản đó.
Quản lý tài sản phần mềm: Với mỗi hệ thống thông tin do tổ chức quản lý trực tiếp, tổ chức phải lập danh sách tài sản phần mềm với các thông tin cơ bản gồm: tên tài sản, giá trị, mục đích sử dụng, phạm vi sử dụng, chủ thể quản lý, thông tin về bản quyền, phiên bản, hệ thống thông tin thành phần (nếu có). Tài sản phần mềm phải được gắn trách nhiệm cho cá nhân hoặc bộ phận quản lý. Tài sản phần mềm phải được tổ chức định kỳ rà soát và cập nhật các bản vá lỗi về an ninh bảo mật. Tài sản phần mềm khi lưu trữ trên vật mang tin phải tuân thủ các quy định tại Điều 12 Thông tư này.
Quản lý sử dụng thiết bị di động: Các thiết bị di động khi kết nối vào hệ thống mạng nội bộ của tổ chức phải được đăng ký để kiểm soát; Giới hạn phạm vi kết nối từ thiết bị di động đến các dịch vụ, hệ thống thông tin của tổ chức; kiểm soát các kết nối từ thiết bị di động tới các hệ thống thông tin được phép sử dụng tại tổ chức; Quy định trách nhiệm của cá nhân trong tổ chức khi sử dụng thiết bị di động để phục vụ công việc; Thiết bị di động được sử dụng để phục vụ công việc phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật tối thiểu sau: Thiết lập chức năng vô hiệu hóa, khóa thiết bị hoặc xóa dữ liệu từ xa trong trường hợp thất lạc hoặc bị mất cắp; Sao lưu dữ liệu trên thiết bị di động nhằm bảo vệ, khôi phục dữ liệu khi cần thiết; Thực hiện các biện pháp bảo vệ dữ liệu khi bảo hành, bảo trì, sửa chữa thiết bị di động. Với thiết bị di động là tài sản của tổ chức, ngoài việc áp dụng các quy định tại khoản 4 Điều này, tổ chức phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật tối thiểu sau đây: Kiểm soát các phần mềm được cài đặt; cập nhật các phiên bản phần mềm và các bản vá lỗi trên thiết bị di động; Sử dụng các tính năng bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin nội bộ, thông tin bí mật (nếu có); thiết lập mã khóa bí mật; cài đặt phần mềm phòng chống mã độc và các lỗi bảo mật khác.
Đối với việc quản lý sử dụng vật mang tin, tổ chức phải quản lý sử dụng vật mang tin theo quy định sau: Kiểm soát việc đấu nối, gỡ bỏ vật mang tin với thiết bị thuộc hệ thống thông tin; Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn vật mang tin khi vận chuyển, lưu trữ; Thực hiện biện pháp bảo vệ đối với thông tin bí mật chứa trong vật mang tin; Quy định trách nhiệm của cá nhân trong quản lý, sử dụng vật mang tin.
Thông tư quy định yêu cầu chung đối với nơi lắp đặt trang thiết bị công nghệ thông tin như sau: Bảo vệ bằng tường bao, cổng ra vào hoặc có các biện pháp kiểm soát, hạn chế rủi ro xâm nhập trái phép; Thực hiện các biện pháp phòng chống nguy cơ do cháy nổ, ngập lụt; Các khu vực có yêu cầu cao về an toàn, bảo mật như khu vực lắp đặt máy chủ, thiết bị lưu trữ, thiết bị an ninh bảo mật, thiết bị truyền thông của hệ thống thông tin từ cấp độ 3 trở lên phải được cách ly với khu vực dùng chung, phân phối, chuyển hàng; ban hành nội quy, hướng dẫn làm việc và áp dụng biện pháp kiểm soát ra vào khu vực đó.
Đối với trung tâm dữ liệu, ngoài việc bảo đảm yêu cầu tại Điều 17 Thông tư này, trung tâm dữ liệu phải bảo đảm các yêu cầu sau: Cổng vào ra tòa nhà trung tâm dữ liệu phải có người kiểm soát 24/7; Cửa vào ra trung tâm dữ liệu phải chắc chắn, có khả năng chống cháy, sử dụng ít nhất hai loại khóa khác nhau và phải có biện pháp bảo vệ và giám sát 24/7; Khu vực lắp đặt thiết bị phải được tránh nắng chiếu rọi trực tiếp, chống thấm dột nước, tránh ngập lụt. Khu vực lắp đặt thiết bị của hệ thống thông tin từ cấp độ 3 trở lên phải được bảo vệ, giám sát 24/7; Có tối thiểu một nguồn điện lưới và một nguồn điện máy phát. Có hệ thống chuyển mạch tự động giữa hai nguồn điện, khi cắt điện lưới máy phát phải tự động khởi động cấp nguồn. Nguồn điện phải đấu nối qua hệ thống lưu điện để cấp nguồn cho thiết bị, bảo đảm khả năng duy trì hoạt động liên tục của hệ thống thông tin; Có hệ thống điều hòa không khí bảo đảm khả năng hoạt động liên tục; Có hệ thống chống sét trực tiếp và lan truyền; Có hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động. Hệ thống chữa cháy bảo đảm khi chữa cháy không làm hư hỏng thiết bị lắp đặt bên trong, trừ trường hợp tổ chức có hệ thống dự phòng bảo đảm an toàn tuyệt đối cho dữ liệu và có khả năng thay thế hoàn toàn hệ thống chính trong vòng 01 giờ; Có hệ thống sàn kỹ thuật hoặc lớp cách ly chống nhiễm điện; hệ thống tiếp địa; Có hệ thống camera giám sát, lưu trữ dữ liệu giám sát tối thiểu 90 ngày; Có hệ thống theo dõi, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm; Có hồ sơ nhật ký kiểm soát vào ra trung tâm dữ liệu.
Trách nhiệm quản lý và quy trình vận hành của tổ chức
Thông tư nêu rõ, tổ chức ban hành các quy trình, tài liệu vận hành đối với hệ thống thông tin từ cấp độ 3 trở lên, tối thiểu bao gồm các nội dung: quy trình bật, tắt hệ thống; quy trình sao lưu, phục hồi dữ liệu; quy trình vận hành ứng dụng; quy trình xử lý sự cố; quy trình giám sát và ghi nhật ký hoạt động của hệ thống. Trong đó phải xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của người sử dụng, vận hành hệ thống. Định kỳ tối thiểu mỗi năm một lần, tổ chức thực hiện rà soát, cập nhật, bổ sung các quy trình vận hành hệ thống thông tin để phù hợp thực tế.
Tổ chức triển khai các quy trình đến toàn bộ các đối tượng tham gia vận hành và giám sát tuân thủ việc thực hiện các quy trình đã ban hành.
Môi trường vận hành của hệ thống thông tin từ cấp độ 3 trở lên và các hệ thống thông tin có xử lý thông tin cá nhân của khách hàng phải đáp ứng yêu cầu: Tách biệt với các môi trường phát triển, kiểm tra và thử nghiệm; Áp dụng các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin; Không cài đặt các công cụ, phương tiện phát triển ứng dụng; Loại bỏ hoặc tắt các tính năng, phần mềm tiện ích không sử dụng trên hệ thống thông tin.
Đối với hệ thống thông tin xử lý giao dịch khách hàng phải đáp ứng yêu cầu sau: Không để một cá nhân được đồng thời thực hiện các công việc khởi tạo và phê duyệt một giao dịch; Áp dụng xác thực đa yếu tố tại bước phê duyệt cuối cùng khi thực hiện giao dịch tài chính phát sinh chuyển tiền điện tử liên ngân hàng có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên (ngoại trừ hệ thống thanh toán xuyên suốt (Straight Though Process) đã có biện pháp xác thực tự động giao dịch giữa các hệ thống liên thông); Áp dụng các biện pháp bảo đảm tính toàn vẹn dữ liệu giao dịch; Mọi thao tác trên hệ thống phải được lưu vết, sẵn sàng cho kiểm tra, kiểm soát khi cần thiết.
Yêu cầu về an toàn, bảo mật các hệ thống thông tin
Khi xây dựng mới hoặc nâng cấp hệ thống thông tin do tổ chức quản lý trực tiếp, tổ chức phải thực hiện phân loại hệ thống thông tin theo cấp độ quy định tại Điều 5 Thông tư này. Đối với hệ thống thông tin từ cấp độ 2 trở lên, tổ chức thực hiện: Xây dựng tài liệu thiết kế, mô tả về các phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin. Trong đó các yêu cầu về an toàn, bảo mật được xây dựng đồng thời với việc xây dựng các yêu cầu kỹ thuật, nghiệp vụ; Xây dựng phương án kiểm tra, xác minh hệ thống được triển khai tuân thủ theo đúng tài liệu thiết kế và yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin trước khi nghiệm thu. Kết quả kiểm tra phải lập thành báo cáo và được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi đưa vào vận hành chính thức; Giám sát, quản lý chặt chẽ việc thuê mua phần mềm bên ngoài theo quy định tại Điều 36 Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này và thay thế Thông tư 18/2018/TT-NHNN ngày 21 tháng 08 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng.