Trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển

21/02/2008
Ngày 20/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương Nhà nước Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì cuộc họp bàn kế hoạch triển khai, phân công thực hiện Kết luận của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2008-2012 (Kết luận số 20-KL/TW). Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các Bộ Nội vụ, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng…

Kết luận số 20-KL/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khóa X khẳng định: Việc cải cách chính sách tiền lương, BHXH và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2008-2012 phải được thực hiện dựa theo các mục tiêu và quan điểm như coi việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, tạo động lực cho phát triển KT-XH, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; đồng thời phải tiến tới bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội.

Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công phải gắn với sự phát triển KT-XH

Trước phiên họp, Bộ Nội vụ đã lấy ý kiến các Bộ chức năng đóng góp cho Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công triển khai thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 theo 6 nội dung, gồm: tiền lương tối thiểu; quan hệ tiền lương tối thiểu - trung bình - tối đa, hệ thống thang, bảng, ngạch, bậc lương và các chế độ phụ cấp; đổi mới cơ chế đối với khu vực sự nghiệp công lập; BHXH; trợ cấp ưu đãi người có công; các giải pháp bảo đảm nguồn thực hiện cải cách chính sách cho tiền lương, BHXH và trợ cấp ưu đãi người có công.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đồng ý với nội dung Dự thảo Quyết định, đồng thời cho biết, chính sách về tiền lương, BHXH và trợ cấp ưu đãi người có công nhìn chung thời gian qua đã từng bước thể chế hóa những quan điểm của Đảng về tiền lương và trợ cấp xã hội, khắc phục một bước tính bình quân trong tiền lương, khuyến khích người lao động làm việc ở những ngành, vùng khó khăn và đặc biệt đã góp phần chăm lo tốt hơn đời sống của người hưởng chế độ BHXH và trợ cấp ưu đãi. Quá trình thực hiện cũng đã bảo đảm được các yêu cầu ổn định các cân đối vĩ mô, kiểm soát được lạm phát.

Phó Thủ tướng yêu cầu, để các Nghị định, Đề án được ban hành đi vào cuộc sống, sát với cuộc sống và đạt hiệu quả cao, khi xây dựng các Nghị định, Đề án về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và trợ cấp ưu đãi người có công phải gắn với sự phát triển KT-XH của đất nước. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc điều chỉnh tiền lương cần dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động, tăng thu nhập quốc dân và sự phát triển của nền kinh tế; coi việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước và chất lượng các dịch vụ công.

Sẽ hỗ trợ hoặc miễn giảm cho đối tượng chính sách sử dụng giá dịch vụ của các đơn vị, cơ sở dịch vụ công

Đối với các đề án đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính (trong đó có tiền lương, khung giá dịch vụ) của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành GDĐT, Y tế, KHCN, VH-TTDL, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ ban hành khung giá dịch vụ. Các đơn vị công lập, sự nghiệp tùy theo chất lượng dịch vụ cung cấp sẽ được quyền thu phí dịch vụ nhưng phải nằm trong khung giá mà Chính phủ quy định. Đây được coi như là một bước tiến, trao cho các cơ sở, đơn vị có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhằm đẩy nhanh xã hội hóa lĩnh vực sự nghiệp dịch vụ công và giảm áp lực chi lương từ ngân sách nhà nước.

“Đối tượng chính sách được hưởng ưu đãi từ ngân sách nhà nước sẽ phải được quy định rõ. Chính phủ sẽ hỗ trợ 100% hoặc hỗ trợ một phần kinh phí cho những đối tượng chính sách sử dụng giá dịch vụ của các đơn vị, cơ sở dịch vụ công”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cũng cho biết, điều chỉnh giá viện phí sẽ giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, khám và chữa bệnh tốt hơn, tuy nhiên chỉ áp dụng cho người có khả năng chi trả, còn những người nghèo, người cận nghèo, người tàn tật, hưu trí, trẻ em, người hoạt động trong lực lượng vũ trang… sẽ được hưởng bảo hiểm y tế hoặc được miễn phí hoàn toàn.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Quốc Huy đề xuất, để quản lý được giá dịch vụ mà các cơ sở công đưa ra thì Chính phủ khi ban hành Nghị định chung về cơ chế tài chính nên kèm theo Nghị định là các khung giá dịch vụ.

Dự thảo Quyết định về việc phân công triển khai thực hiện Kết luận 20-KL/TW

Bộ LĐTBXH chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Tài chính và các Bộ, ngành liên quan sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh mức lương tối thiểu chung; Nghị định điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp trong nước; Nghị định điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Về đổi mới cơ chế đối với khu vực sự nghiệp công lập, Bộ GDĐT, Y tế, KHCN, VH-TTDL sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ, Bộ Chính trị các Đề án đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành GDĐT, Y tế, KHCN, VH-TTDL.

Trên cơ sở các Đề án nêu trên, các Bộ GDĐT, Y tế, KHCN, VH-TTDL sẽ trình Chính phủ ban hành các Nghị định khung giá dịch vụ về GDĐT, Y tế, KHCN và VH-TTDL; các Nghị định về đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành trên.

Về bảo hiểm xã hội (BHXH), Bộ LĐTBXH sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về bảo hiểm thất nghiệp; Nghị định về điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng BHXH đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định…

Về trợ cấp ưu đãi người có công, Bộ LĐTBXH sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan trình Chính phủ điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công (theo lộ trình cải cách tiền lương giai đoạn 2008-2012).

Riêng về các giải pháp bảo đảm nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương, BHXH và trợ cấp ưu đãi người có công, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan trình Chính phủ phương án bảo đảm nguồn tài chính cho việc thực hiện trên.

(Theo website Chính phủ)