Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2020

28/02/2020
Bãi bỏ một số văn bản về Quỹ bảo trì đường bộ
Nghị định 09/2020/NĐ-CP ban hành ngày 13/01/2020 của Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về Quỹ bảo trì đường bộ gồm:
Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ.
Nghị định số 56/2014/NĐ-CP ngày 30/5/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ.
Nghị định số 28/2016/NĐ-CP ngày 20/4/2016 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 56/2014/NĐ-CP ngày 30/5/2014 và Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ.
Hướng dẫn chi tiết về thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi
Nghị định 13/2020/NĐ-CP  ngày 21/1/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành từ ngày 05/03/2020. Nghị định quy định cụ thể về giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi và vật nuôi sống, xử lý chất thải trong chăn nuôi. Nghị định cũng thay thế và bãi bỏ một số văn bản.
Trợ cấp nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên
Nghị định số 14/2020/NĐ-CP  ngày 24/01/2020 của Chính phủ quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu có hiệu lực thi hành từ ngày 15/03/2020.
Theo Nghị định này, nhà giáo đã nghỉ hưu được hưởng chế độ trợ cấp khi có đủ các điều kiện: Trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành và tham gia đóng BHXH từ 5 năm (đủ 60 tháng) trở lên; nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1994 đến 31/5/2011; đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 1/1/2012. Trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu theo quy định của Luật BHXH thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.
Thủ tục kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước
Nghị định 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 16/03/2020.
Theo Nghị định này thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước bao gồm: TTHC thuộc lĩnh vực thu và hoàn trả các khoản thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước; TTHC thuộc lĩnh vực kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước (không bao gồm phần vốn nhà nước tham gia trong dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP); TTHC thuộc lĩnh vực đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước; nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện TTHC thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.
Điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam
Nghị định 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam có hiệu lực từ ngày 20/03/2020.
Điều 7 của Nghị định quy định một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam gồm:
Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam là khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Người xin nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam phải là người đang thường trú tại Việt Nam và đã được Cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú. Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp Thẻ thường trú.
Khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
Điều 9 của Nghị định quy định về trường hợp đặc biệt xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài.
Theo đó, người xin nhập quốc tịch Việt Nam thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây thì được coi là trường hợp đặc biệt quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam và được trình Chủ tịch nước xem xét việc cho nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài:
Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam và việc nhập quốc tịch đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.
Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng.
Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương
Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2020 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 22/03/2020.
Theo Nghị định này, một số Nghị định được sửa đổi, bổ sung liên quan đến: quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô; lĩnh vực điện lực;  liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh; quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học; lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; doanh khí, khoáng sản; kinh doanh thực phẩm; kinh doanh rượu có nồng độ cồn từ 5.5 độ trở lên; kinh doanh thuốc lá.
Kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Nghị định số 19/2020/NĐ-CP  ngày 12/02/2020 của Chính phủ kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 31/03/2020.
Nghị định này quy định về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Mục đích kiểm tra nhằm xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; động viên, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; phát hiện những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục.
Bên cạnh đó, phòng, chống, ngăn chặn các vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Sửa đổi quy định về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy…
Quyết định số 02/2020/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương có hiệu lực từ ngày 1/3/2020.
Theo Quyết định số 02/2020/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định tiếp tục thí điểm chương trình tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg tại 15 tỉnh, thành phố đến hết 31/12/2020.
Đối tượng vay vốn gồm: 1- Cá nhân vay vốn: Người nhiễm HIV, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương; 2- Hộ gia đình vay vốn là hộ gia đình có thành viên thuộc một trong các trường hợp sau đây: Người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương.
Huỳnh Lê - Thi hành án dân sự