Một số chính sách quan trọng có hiệu lực thi hành từ tháng 9/2018

17/09/2018

Hỗ trợ người có công đang định cư ở nước ngoài
Nghị định số 102/2018/NĐ-CP quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài; hồ sơ, thẩm quyền, quy trình giải quyết chế độ hỗ trợ, một số chế độ đãi ngộ khác và trách nhiệm tổ chức thực hiện
Người tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đang định cư ở nước ngoài; Người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài; Dân công hỏa tuyến, được Ủy ban hành chính hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền huy động, quản lý tập trung và được giao nhiệm vụ phục vụ chiến đấu cho các đơn vị Quân đội hoặc phục vụ tại các chiến trường trong thời gian và địa bàn sau đây, đang định cư ở nước ngoài được hưởng chế độ hỗ trợ, mức hưởng được tính theo số năm thực tế tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, dân công hỏa tuyến. Cụ thể như sau: - Từ đủ 2 năm công tác trở xuống, mức hỗ trợ bằng 4.000.000 đồng; - Trên 2 năm, thì từ năm thứ 3 trở đi mỗi năm được cộng thêm 1.500.000 đồng. Trường hợp đã từ trần trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thân nhân đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định này được hỗ trợ một lần bằng 6.000.000 đồng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 9 năm 2018.
Giảm điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng
Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/07/2018 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Trong đó, quy định về điều kiện chung cấp chứng chỉ hành nghề về xây dựng đã được thay đổi so với trước đây. Nếu trước đây, người được cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng hạng hai phải có 5 năm kinh nghiệm sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành phù hợp, thì nay thời gian này giảm xuống còn 4 năm. Đối với chứng chỉ hành nghề xây dựng hạng ba, nay điều kiện cũng giảm đi còn hai năm kinh nghiệm với người có trình độ đại học, ba năm với trình độ cao đẳng hoặc trung cấp. Trước đây mỗi đối tượng cần điều kiện nhiều hơn một năm.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2018.
Cơ quan Nhà nước gửi văn bản điện tử thì không gửi văn bản giấy
Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 06 tháng 9 năm 2018.
Trong nguyên tắc gửi, nhận văn bản điện tử có nêu rõ: Các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước không phát hành văn bản giấy đến Bên nhận khi đã gửi văn bản điện tử trừ các trường hợp: a) Văn bản gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Quy chế làm việc của Chính phủ; b) Văn bản theo Danh mục do người đứng đầu bộ, ngành, địa phương quyết định ngoài các văn bản theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này và theo quy định của pháp luật.
Cũng theo quyết định này, Văn bản điện tử phải được gửi ngay trong ngày văn bản đó ký ban hành, chậm nhất là trong buổi sáng của ngày làm việc tiếp theo. Văn bản điện tử đến sau khi được tiếp nhận, nếu bảo đảm giá trị pháp lý phải được xử lý kịp thời, không phải chờ văn bản giấy (nếu có).
Trường hợp văn bản điện tử thuộc loại khẩn phải được đặt ở chế độ ưu tiên ghi rõ mức độ khẩn, gửi ngay sau khi đã ký số và phải được trình, chuyển giao xử lý ngay sau khi tiếp nhận.