Quy định mới về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự trong BLHS năm 2015

10/09/2018
Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14, có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2018 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015). Nhìn một cách tổng quát, BLHS này có nhiều nội dung đổi mới cả phần quy định chung và phần các tội phạm cụ thể. Sau đây là một số quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự đã được sửa đổi, bổ sung.
Việc sửa đổi, bổ sung quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống tham nhũng; bảo đảm tính minh bạch của các quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự; đồng thời khắc phục những bất cập trong thực tiễn áp dụng quy định này của BLHS.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau: a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Nội dung sửa đổi, bổ sung:
- Bổ sung trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội tham ô tài sản, nhận hối lộ đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể tại khoản 3 Điều 28 quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối vớiTội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.
- Cụ thể hóa các căn cứ miễn trách nhiệm hình sự. Theo đó, Bộ luật hình sự đã cụ thể hóa các trường miễn hợp trách nhiệm hình sự (Điều 29) theo hướng: 1. phân biệt trường hợp đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự và trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự. 2. bổ sung một số trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự nhằm tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn hiện nay (khoản 2 Điều 29).
Theo đó: 
Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; b) Khi có quyết định đại xá.

2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây: a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; c) Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.