Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 10/2017/QH14 (sau đây gọi là Luật) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018, Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết một số điều khoản. Để đảm bảo văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật, Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và ngày 15 tháng 5 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành
Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Nghị định này có hiệu lực thi hành cùng thời điểm có hiệu lực của Luật (từ ngày 01 tháng 7 năm 2018).
Nghị định này quy định chi tiết 10 nội dung được Luật giao, đồng thời, quy định một số biện pháp tổ chức thi hành Luật đối với một số vấn đề khác đã được quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 để bảo đảm thống nhất trong áp dụng pháp luật cũng như bảo đảm hiệu quả của việc thi hành Luật trên thực tiễn.
Nghị định được bố cục gồm 06 chương và 37 điều, bao gồm:
Chương I: Những quy định chung, gồm 02 điều (Điều 1 và Điều 2), quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng;
Chương II: Thiệt hại được bồi thường, gồm 10 điều (từ Điều 3 đến Điều 12) quy định về xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại là chi phí được bồi thường; khoảng thời gian làm căn cứ xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút và thiệt hại về tinh thần; xác định các chi phí khác được bồi thường;
Chương III: Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường, gồm 13 điều (từ Điều 13 đến Điều 25), quy định về thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; xác minh thiệt hại; thương lượng việc bồi thường và phục hồi danh dự;
Chương IV: Trách nhiệm hoàn trả, gồm 6 điều (từ Điều 26 đến Điều 31), quy định về xác định mức hoàn trả; giảm mức hoàn trả, việc thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức làm việc của Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả; ra quyết định hoàn trả và xử lý tiền đã hoàn trả, trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường không còn là căn cứ yêu cầu bồi thường;
Chương V: Trách nhiệm và phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước, gồm 4 điều (từ Điều 32 đến Điều 35), quy định về xác định cơ quan giải quyết bồi thường; thanh tra, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước và báo cáo thống kê việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước;
Chương VI: Điều khoản thi hành, gồm 02 điều (Điều 36, Điều 37), quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành.
Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Nguyễn Thị Tươi – Cục Bồi thường nhà nước