Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường

19/07/2017
Ngày 17 tháng 7 năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Nghị định này quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Nghị định áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục), lớp xóa mù chữ, lớp ngoại ngữ, lớp tin học, lớp dạy kỹ năng, lớp dạy năng khiếu, lớp dạy văn hóa, lớp dành cho trẻ em vì hoàn cảnh khó khăn hoặc có hoàn cảnh đặc biệt không được đi học ở nhà trường (sau đây gọi chung là lớp độc lập) có người học dưới 18 tuổi; các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Yêu cầu về địa điểm, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi trẻ em
Nghị định nêu rõ, địa điểm đặt cơ sở giáo dục, lớp độc lập không vi phạm quy định tại khoản 13 Điều 6 của Luật trẻ em và không nằm trong vùng cảnh báo nguy hiểm.
Cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục bảo đảm các yêu cầu sau: Có khuôn viên, cổng trường, biển tên trường, tường rào, hàng rào, sân vườn, cây xanh bảo đảm an toàn, vệ sinh, phù hợp cảnh quan, môi trường thân thiện; Có sân chơi, bãi tập, khu để xe phù hợp và thân thiện với người học; Có khối phòng học, phòng học bộ môn, phòng phục vụ học tập bảo đảm đủ ánh sáng, thoáng mát, có bàn ghế phù hợp với người học. Có khu nhà ăn, nhà nghỉ đối với các cơ sở giáo dục tổ chức bán trú, nội trú; Có công trình vệ sinh, nước sạch và các công trình xây dựng khác bảo đảm an toàn, thân thiện, dễ tiếp cận, phù hợp với nhu cầu đa dạng của người sử dụng.
Thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi trẻ em của cơ sở giáo dục, lớp độc lập bảo đảm phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của người học; được sắp xếp và sử dụng an toàn, hợp lý, dễ tiếp cận.
Phòng, chống bạo lực học đường
Nghị định quy định một số biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường như sau: Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân; Giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại người học; phòng, chống bạo lực học đường; bạo lực trẻ em trên môi trường mạng cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục và gia đình người học; giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho người học; Công khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường và các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác về bạo lực học đường; Tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường; Thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học.
 Các biện pháp can thiệp khi xảy ra bạo lực học đường như sau: Đánh giá sơ bộ về mức độ tổn hại của người học, đưa ra nhận định về tình trạng hiện thời của người học; Thực hiện ngay các biện pháp trợ giúp, chăm sóc y tế, tư vấn đối với người học bị bạo lực; theo dõi, đánh giá sự an toàn của người bị bạo lực; Thông báo kịp thời với gia đình người học để phối hợp xử lý; trường hợp vụ việc vượt quá khả năng giải quyết của cơ sở giáo dục thì thông báo kịp thời với cơ quan công an, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các cơ quan liên quan để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 9 năm 2017.