Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

01/06/2017
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục khác về: Mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh và văn bằng, chứng chỉ; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; cơ sở vật chất và thiết bị trường học; bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
Trình Chính phủ các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình xây dựng pháp luật hàng năm của bộ đã được phê duyệt và các nghị quyết, dự án, đề án theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục, đào tạo, xây dựng xã hội học tập và phân luồng giáo dục.
Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm và các dự án, công trình quan trọng quốc gia thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia, chương trình hành động quốc gia và các văn bản khác về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ hoặc theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
4. Ban hành thông tư và các văn bản khác về lĩnh vực thuộc phạm vi quản nhà nước của bộ.
5. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia, chương trình hành động quốc gia, các dự án, công trình quan trọng quốc gia sau khi được phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giáo dục, đào tạo.
6. Về mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục:
a) Quy định mục tiêu giáo dục, đào tạo phù hợp với các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ;
b) Ban hành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên;
c) Ban hành, cập nhật và hướng dẫn danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; quy chế đào tạo và liên kết đào tạo;
d) Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; các môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo đối với các trình độ đào tạo của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.
7. Về sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu:
a) Quy định việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt tài liệu được phép sử dụng; hướng dẫn việc lựa chọn tài liệu trong các cơ sở giáo dục mầm non;
b) Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; ban hành tiêu chí đánh giá sách giáo khoa và phê duyệt sách giáo khoa được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông;
c) Quy định việc tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình đào tạo trình độ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; tổ chức biên soạn giáo trình các môn lý luận chính trị, quốc phòng và an ninh để làm tài liệu sử dụng thống nhất trong giảng dạy, học tập trình độ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ;
d) Chỉ đạo tổ chức biên soạn tài liệu xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ và các tài liệu giáo dục thường xuyên khác.
8. Về quy chế thi, tuyển sinh và văn bằng, chứng chỉ:
a) Chủ trì xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ký hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng với các nước, tổ chức quốc tế;
b) Ban hành quy chế thi, tuyển sinh; quy định về kiểm tra và đánh giá người học;
c) Quy định về mẫu văn bằng, chứng chỉ; việc in và quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ;
d) Quy định việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam; quy định văn bằng công nhận trình độ kỹ năng thực hành, ứng dụng cho người được đào tạo chuyên sâu sau khi tốt nghiệp đại học ở một số ngành chuyên môn đặc thù;
đ) Quy định trách nhiệm và thẩm quyền cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam khi liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài; quy định trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện việc cấp văn bằng giáo dục đại học tại Việt Nam.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/05/2017 và thay thế Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.