Quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải

10/05/2017
Ngày 10 tháng 5 năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải.
Theo đó, Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải, bao gồm: Đầu tư xây dựng, khai thác cảng biển, luồng hàng hải, công trình hàng hải, báo hiệu hàng hải, thông báo hàng hải, hoạt động của hoa tiêu hàng hải và quản lý hoạt động của tàu thuyền tại cảng biển và trong vùng biển Việt Nam. Các quy định tại Nghị định này về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường cũng được áp dụng đối với cảng quân sự, cảng cá và cảng, bến thủy nội địa nằm trong vùng nước cảng biển.
Nguyên tắc đầu tư xây dựng, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cảng biển, luồng hàng hải
Nghị định nêu rõ: tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư xây dựng cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu neo đậu, chuyển tải, luồng hàng hải phải tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật. Việc đầu tư xây dựng cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu neo đậu, chuyển tải, luồng hàng hải phải phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển và các quy hoạch khác có liên quan đã được phê duyệt; trường hợp dự án đầu tư xây dựng cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu neo đậu, chuyển tải, luồng hàng hải có sự khác biệt so với quy hoạch phát triển cảng biển đã được phê duyệt, trước khi triển khai dự án, chủ đầu tư phải báo cáo và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chấp thuận. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu neo đậu, chuyển tải chuyên dùng có trách nhiệm đầu tư xây dựng, thiết lập kết cấu hạ tầng cảng biển, luồng hàng hải chuyên dùng, khu nước, vùng nước trừ trường hợp luồng hàng hải công cộng, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, vùng quay trở hiện có tại khu vực đáp ứng được nhu cầu cho tàu thuyền hoạt động tại cảng chuyên dùng đó. Việc quyết định chủ trương đầu tư cảng biển, bến cảng, cầu cảng và luồng hàng hải sử dụng nguồn vốn đầu tư công được thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công. Việc quyết định chủ trương đầu tư đối với cảng biển, bến cảng, cầu cảng và luồng hàng hải không thuộc trường hợp quy định trên được thực hiện theo quy định của Luật đầu tư. Đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định: Việc đầu tư xây dựng luồng hàng hải phải phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển đã được phê duyệt và tuân thủ các quy định có liên quan của pháp luật. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức thực hiện việc lập, công bố và định kỳ hàng năm cập nhật danh bạ luồng hàng hải; tổ chức kiểm tra, giám sát việc đầu tư xây dựng luồng hàng hải theo quy hoạch cảng biển đã được phê duyệt.
Giám sát thực hiện xây dựng công trình khác trong vùng nước cảng biển
Việc xây dựng các công trình khác trong vùng nước cảng biển không thuộc công trình quy định tại Điều 4 Nghị định này được thực hiện theo các quy định tại Nghị định này về bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Trước khi tiến hành xây dựng công trình, chủ đầu tư gửi Cảng vụ hàng hải khu vực nơi thực hiện xây dựng công trình bản sao quyết định đầu tư và bản vẽ bố trí mặt bằng tổng thể của công trình để tổ chức theo dõi việc thực hiện xây dựng công trình của chủ đầu tư nhằm bảo đảm an toàn hàng hải. Quy định tại khoản này không áp dụng đối với công trình phải lập phương án đảm bảo an toàn hàng hải quy định tại Điều 8 Nghị định này.
Chủ đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển thực hiện các thủ tục theo quy định tại Điều 19 Nghị định này.
Đối với các dự án công trình giao cắt với vùng nước cảng biển, luồng hàng hải hoặc các công trình có ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải như: Cầu, đường dây điện, cáp treo, các công trình ngầm và các công trình tương tự khác, trong quá trình đề xuất dự án, chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam văn bản lấy ý kiến về sự cần thiết, vị trí, quy mô dự kiến của công trình, độ cao tĩnh không, độ sâu công trình. Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến và bản sao bình đồ bố trí mặt bằng tổng thể của công trình, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản trả lời chủ đầu tư về các yêu cầu cần tuân thủ để bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường; trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Chủ đầu tư các công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này, trong quá trình đề xuất đầu tư xây dựng công trình phải gửi Cảng vụ hàng hải khu vực văn bản lấy ý kiến về vị trí, quy mô dự kiến của công trình. Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Cảng vụ hàng hải khu vực có văn bản trả lời chủ đầu tư và nêu rõ các yêu cầu cần tuân thủ để bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường; trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Cảng vụ hàng hải khu vực tổ chức kiểm tra, giám sát: Điều kiện khởi công, thi công công trình theo quy định của pháp luật; vị trí, quy mô xây dựng, phương tiện thủy, thiết bị, biện pháp thi công, tiến độ thi công, công tác giám sát thi công của chủ đầu tư, phương án bảo đảm an toàn hàng hải và các nội dung cần thiết khác trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển, tuân thủ quy hoạch, dự án được duyệt, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Việc kiểm tra, giám sát chỉ kết thúc khi chủ đầu tư hoàn tất việc thi công xây dựng công trình và thanh thải các chướng ngại vật (nếu có).
Phương án bảo đảm an toàn hàng hải
Theo Nghị định, trước khi tiến hành xây dựng, thi công các cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước, chủ đầu tư có trách nhiệm trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt phương án bảo đảm an toàn hàng hải và tổ chức thực hiện phương án bảo đảm an toàn hàng hải đã được phê duyệt.
Các trường hợp phải lập phương án bảo đảm an toàn hàng hải gồm: Xây dựng các công trình cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, luồng hàng hải, báo hiệu hàng hải và khu nước, vùng nước; Xây dựng các công trình giao cắt với vùng nước cảng biển, luồng hàng hải hoặc các công trình có ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải như cầu, đường dây điện, cáp treo, các công trình ngầm, giàn khoan, phong điện, thủy điện, nhiệt điện và các công trình tương tự khác; Các công trình thi công, đầu tư xây dựng trong vùng biển Việt Nam ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải.
Cảng vụ hàng hải phê duyệt phương án bảo đảm an toàn hàng hải; riêng đối với các công trình quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định này trước khi phê duyệt, Cảng vụ hàng hải phải lấy ý kiến chấp thuận của Cục Hàng hải Việt Nam. Chậm nhất 04 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Cảng vụ hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản chấp thuận phương án bảo đảm an toàn hàng hải gửi Cảng vụ hàng hải; trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Nguyên tắc quản lý, khai thác cảng biển
Nghị định cũng quy định nguyên tắc quản lý, khai thác cảng biển như sau: Cảng biển phải được quản lý, khai thác theo quy định của pháp luật, bảo đảm hiệu quả đầu tư và tránh thất thoát, lãng phí. Kết cấu hạ tầng cảng biển phải được định kỳ tổ chức kiểm định chất lượng theo quy định. Vùng nước trước cầu cảng, khu nước, vùng nước phải được định kỳ khảo sát và công bố thông báo hàng hải theo quy định.
Người đầu tư xây dựng cảng biển, bến cảng, cầu cảng quyết định hình thức quản lý, khai thác theo nguyên tắc: Kết cấu hạ tầng cảng biển được đầu tư bằng nguồn vốn của Nhà nước được cho thuê khai thác từng phần hoặc toàn bộ; nguồn thu từ việc cho thuê này là nguồn thu thuộc ngân sách nhà nước, được sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và được ưu tiên để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển; Kết cấu hạ tầng cảng biển được đầu tư bằng các nguồn vốn khác không thuộc quy định tại điểm a khoản này do chủ đầu tư tự quyết định hình thức quản lý, khai thác phù hợp với quy định của pháp luật.
Dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải
Theo Nghị định, dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải gồm: Vận hành, duy trì, bảo trì báo hiệu hàng hải, luồng hàng hải công cộng và tuyến hàng hải; Khảo sát, xây dựng và phát hành, cập nhật hải đồ vùng nước cảng biển, luồng hàng hải và tuyến hàng hải; Thông báo hàng hải; Nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng để đảm bảo độ sâu của luồng theo chuẩn tắc thiết kế; Thông tin điện tử hàng hải; Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình, tài sản bảo đảm an toàn hàng hải; Nhiệm vụ đột xuất bảo đảm an toàn hàng hải.
Bộ Giao thông vận tải tổ chức thực hiện việc đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch cho các doanh nghiệp bảo đảm an toàn hàng hải thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích bảo đảm hàng hải theo quy định.
Quy định miễn, giảm thủ tục đến, rời cảng biển đối với các trường hợp đặc biệt
Các loại tàu được miễn giảm thủ tục đến, rời cảng biển thực hiện theo theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
Tàu thuyền vào cảng để chuyển giao người, tài sản, tàu thuyền cứu được trên biển và chỉ lưu lại cảng biển trong khoảng thời gian không quá 12 giờ được làm thủ tục vào, rời cảng một lần và chỉ phải nộp các loại giấy tờ sau: Bản khai chung; Danh sách thuyền viên; Danh sách hành khách (nếu có).
Tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân được miễn nộp hoặc miễn xuất trình hồ sơ, giấy tờ quy định tại Mục 4 Chương này nếu quốc gia tàu mang cờ không quy định phải có hồ sơ, giấy tờ đó.
Yêu cầu chung để bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải đối với hoạt động của tàu thuyền
Theo Nghị định số 58/2017/NĐ-CP:Tất cả các loại tàu thuyền phải được ghi rõ tên hoặc số hiệu, số IMO (nếu có) và tên cảng đăng ký theo quy định. Thuyền trưởng có trách nhiệm bảo đảm an toàn, trật tự và vệ sinh trên tàu, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài những thuyền viên thuộc thuyền bộ và hành khách đi theo tàu thuyền, chỉ những người có nhiệm vụ do cơ quan có thẩm quyền giới thiệu mới được phép lên tàu thuyền đang neo đậu trong vùng nước cảng biển; khi lên tàu thuyền nước ngoài còn phải có giấy phép của Bộ đội Biên phòng hoặc Công an cửa khẩu cảng, trừ trường hợp là cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đang thi hành công vụ. Thuyền trưởng hoàn toàn chịu trách nhiệm về những trường hợp để người không có nhiệm vụ lên tàu.
Tàu thuyền đang neo đậu trong vùng nước cảng biển không được thực hiện các hành vi như kéo còi hay dùng loa điện để thông tin, trừ trường hợp để phát tín hiệu cấp cứu hoặc kéo còi chào theo lệnh của Giám đốc Cảng vụ hàng hải; Tiến hành các việc sửa chữa, thử máy, thử còi khi chưa có sự chấp thuận của Cảng vụ hàng hải; Sử dụng trang thiết bị cứu sinh - chữa cháy vào các mục đích không phù hợp; Bơi lội hoặc làm mất trật tự ở trong cảng; Việc tổ chức bắn pháo hoa của tàu thuyền trong các dịp nghi lễ của quốc gia tàu mang cờ được thực hiện theo quy định riêng của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Cầu thang lên, xuống tàu phải được chiếu sáng và điều chỉnh phù hợp, bảo đảm an toàn cho người sử dụng; khu vực cầu thang thường xuyên phải có người trực ca và có phao cứu sinh theo quy định; cầu thang phải có tay vịn, phía dưới phải có lưới bảo hiểm.
Nghĩa vụ tìm kiếm, cứu nạn
Tàu biển, tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa và thủy phi cơ khi gặp nguy hiểm cần sự cứu giúp phải phát tín hiệu cấp cứu theo quy định. Khi phát hiện tai nạn hoặc nguy cơ xảy ra tai nạn, người phát hiện phải lập tức phát tín hiệu cấp cứu và tiến hành ngay các biện pháp cứu nạn, phòng ngừa phù hợp để cứu người, tài sản và ngăn ngừa hoặc hạn chế tổn thất tới mức thấp nhất.
Việc cứu người bị nạn là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi tổ chức, cá nhân, tàu thuyền và các phương tiện khác khi đang hoạt động ở trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam. Tàu thuyền khi phát hiện hay nhận được tín hiệu cấp cứu của người hoặc tàu thuyền khác gặp nạn trên biển hoặc trong vùng nước cảng biển, nếu điều kiện thực tế cho phép và không gây nguy hiểm nghiêm trọng cho người và tàu thuyền của mình phải bằng mọi cách tiến hành cứu giúp người gặp nạn, kể cả việc phải đi chệch hướng, chệch khỏi hành trình đã định và phải kịp thời thông báo cho tổ chức, cá nhân có liên quan biết. Tàu thuyền bị thiệt hại nhẹ hơn phải cứu trợ tàu thuyền bị thiệt hại nặng hơn cho dù lỗi gây ra tai nạn, sự cố không phải là của tàu thuyền mình.
Giám đốc Cảng vụ hàng hải có quyền huy động mọi lực lượng, trang thiết bị của cảng, tàu thuyền và các phương tiện khác hiện có trong khu vực cảng biển để tìm kiếm, cứu nạn đối với người và phương tiện bị nạn; tất cả các đối tượng được huy động có nghĩa vụ chấp hành mệnh lệnh của Giám đốc Cảng vụ hàng hải. Đối với những tai nạn hàng hải xảy ra trong vùng nước cảng biển làm ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải trên luồng hàng hải, Giám đốc Cảng vụ hàng hải chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp bảo đảm an toàn hàng hải tại khu vực để kịp thời tiến hành cảnh giới, lắp đặt báo hiệu hàng hải và ra thông báo hàng hải nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Cơ quan phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải phải sẵn sàng tổ chức và phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn kịp thời đối với người, phương tiện gặp nạn trong vùng tìm kiếm, cứu nạn do mình phụ trách và được quyền huy động người, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải trong vùng nước cảng biển và trên các vùng biển, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017. Bãi bỏ các quy định sau: Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải; Quy định liên quan đến thủ tục tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, vào, rời cảng biển và hoạt động trong vùng biển Việt Nam tại các Điều 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 12, 13, 14 và 16 của Quyết định số 34/2016/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục điện tử đối với tàu thuyền vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.