Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư số 154/2016/TT-BQP ngày 12/10/2016 hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trong Bộ Quốc phòng.
Theo đó, Thông tư này hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động dôi dư; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, công ty khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ Quốc phòng làm chủ sở hữu (gọi là công ty thực hiện sắp xếp lại) quy định tại Nghị định số 63/2015/NĐ-CP ngày 22/7/2015 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (viết tắt là Nghị định số 63/2015/NĐ-CP), bao gồm: Cổ phần hóa, bán; Chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; Chuyển thành đơn vị sự nghiệp; Sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và Giải thể, phá sản.
Đối tượng áp dụng theo Thông tư là người lao động dôi dư đang thực hiện hợp đồng lao động theo quy định trong các công ty hướng dẫn tại Thông tư này (sau đây viết tắt là người lao động), bao gồm: (1) - Người lao động có tên trong danh sách lao động thường xuyên của công ty thực hiện sắp xếp lại theo hướng dẫn tại Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 1 Thông tư này được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21/4/1998, gồm: Người lao động đang làm việc tại thời điểm sắp xếp lại, công ty đã tìm mọi biện pháp nhưng không bố trí được việc làm hoặc người lao động không có việc làm (đang chờ việc), tại thời điểm sắp xếp lại, công ty không bố trí được việc làm; (2) - Người lao động có tên trong danh sách lao động thường xuyên của công ty thực hiện sắp xếp lại theo hướng dẫn tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư này được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 26/4/2002; (3) - Người lao động có tên trong danh sách lao động thường xuyên của công ty thực hiện sắp xếp lại theo hướng dẫn tại Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 1 Thông tư này được tuyển dụng lần cuối cùng từ ngày 21/4/1998 trở về sau, tại thời điểm sắp xếp lại, công ty đã tìm mọi biện pháp nhưng không bố trí được việc làm; (4) - Người lao động có tên trong danh sách lao động thường xuyên của công ty thực hiện sắp xếp lại theo hướng dẫn tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư này được tuyển dụng lần cuối cùng từ ngày 26/4/2002 trở về sau.
Thông tư cũng áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, công ty và cá nhân liên quan đến việc thực hiện chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ Quốc phòng làm đại diện chủ sở hữu.
Chính sách đối với người lao động dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21/4/1998 hoặc trước ngày 26/4/2002
Người lao động dôi dư là đối tượng (1) và (2) nêu trên tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lao động hoặc Tòa án quyết định mở thủ tục phá sản, được thực hiện chính sách như sau: Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 59 tuổi; nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 54 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu theo quy định tại
Khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 (đối với trường hợp nghỉ hưu trước ngày 01/01/2016), theo
Khoản 4 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (đối với trường hợp nghỉ hưu từ ngày 01/01/2016 trở đi) và được hưởng thêm các chế độ như không bị trừ tỷ lệ % lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi; Trợ cấp 03 tháng tiền lương theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư này cho mỗi năm (đủ 12 tháng, không kể tháng lẻ) nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tại
Điểm a Khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 (đối với trường hợp nghỉ hưu trước ngày 01/01/2016), so với quy định tại
Điểm a Khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (đối với trường hợp nghỉ hưu từ ngày 01/01/2016 trở về sau); Hỗ trợ 01 tháng tiền lương cơ sở do Chính phủ quy định tại thời điểm nghỉ hưu cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Nam trên 59 tuổi đến dưới 60 tuổi; nữ trên 54 tuổi đến dưới 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu theo quy định tại
Khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 (đối với trường hợp nghỉ hưu trước ngày 01/01/2016), theo
Khoản 4 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (đối với trường hợp nghỉ hưu từ ngày 01/01/2016 trở về sau) và được hưởng thêm các chế độ sau: Không bị trừ tỷ lệ % lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi; Hỗ trợ 0,5 tháng lương cơ sở do Chính phủ quy định tại thời điểm nghỉ hưu cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại
Điểm a Khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 (đối với trường hợp nghỉ hưu trước 01/01/2016) hoặc
Điểm a Khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (đối với trường hợp nghỉ hưu từ ngày 01/01/2016 trở về sau) nhưng còn thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối đa không quá 06 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng thì được Nhà nước đóng một lần cho số tháng còn thiếu (bao gồm cả phần trách nhiệm đóng của người lao động và người sử dụng lao động) vào quỹ hưu trí và tử tuất để giải quyết chế độ hưu trí.
Mức tiền đóng bảo hiểm xã hội cho số tháng còn thiếu bằng số tiền đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nhân với số tháng còn thiếu. Thời điểm giải quyết chế độ hưu trí được tính từ tháng đóng đầy đủ số tiền bảo hiểm xã hội cho các tháng còn thiếu theo quy định.
Người lao động dôi dư thuộc đối tượng (1) không đủ điều kiện hưởng chế độ trên thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ sau: Trợ cấp mất việc làm theo quy định tại
Điều 49 Bộ luật Lao động; Hỗ trợ một khoản tiền cho mỗi năm làm việc tại công ty thực hiện sắp xếp lại
Chính sách đối với người lao động dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng từ ngày 21/4/1998 hoặc từ ngày 26/4/2002 trở về sau
Người lao động dôi dư thuộc đối tượng (3) và (4) nêu trên tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lao động hoặc Tòa án quyết định mở thủ tục phá sản thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng chế độ sau: Trợ cấp mất việc làm theo quy định tại
Điều 49 Bộ luật Lao động đối với người lao động dôi dư trong công ty thực hiện sắp xếp lại theo hướng dẫn tại Thông tư này; Trợ cấp thôi việc theo quy định tại
Điều 48 Bộ luật Lao động đối với người lao động dôi dư theo hướng dẫn tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư này.
Thời gian làm việc để tính hưởng chế độ
Thời gian làm việc có đóng bảo hiểm xã hội để tính khoản hỗ trợ hướng dẫn tại Thông tư này là thời gian tính hưởng bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, khoản tiền hỗ trợ là thời gian người lao động đã làm việc thực tế (có đi làm, có tên trong bảng thanh toán tiền lương) tại công ty thực hiện sắp xếp lại trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian người lao động đã được công ty thực hiện sắp xếp lại chi trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm (nếu có).
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 28/12/2016 và thay thế Thông tư số 50/2012/TT-BQP ngày 20/6/2012 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trong Quân đội. Chính sách đối với người lao động dôi dư hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 15/9/2015; riêng đối tượng là người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thì được thực hiện chính sách kể từ ngày 01/01/2018.