Bộ Tư pháp hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng

05/05/2015
Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư số 04/2015/TT-BTP ngày 15 tháng 4 năm 2015 hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng.

Theo đó, Thông tư này quy định về tập sự hành nghề công chứng và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng; quản lý tập sự hành nghề công chứng; xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tập sử hành nghề công chứng và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng.

Theo Thông tư, người yêu cầu tập sự nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký tập sự trực tiếp qua đường bưu chính đến Sở Tư pháp nơi có tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp ghi tên người đăng ký tập sự vào Danh sách người tập sự hành nghề công chứng của Sở Tư pháp, đồng thời thông báo bằng văn bản cho người đăng ký tập sự và tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự; trường hợp từ chối thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thời gian tập sự hành nghề công chứng quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật Công chứng được tính từ ngày Người tập sự được ghi tên vào Danh sách người tập sự của Sở Tư pháp. Trong trường hợp Người tập sự thay đổi nơi tập sự theo quy định tại Thông tư này thì thời gian tập sự được tính bằng tổng thời gian tập sự của người đó tại các tổ chức hành nghề công chứng. Tổng thời gian tập sự được tính khi Người tập sự có thời gian tập sự tại mỗi tổ chức hành nghề công chứng ít nhất là 03 tháng.

Ngoài ra, Thông tư còn quy định nội dung tập sự hành nghề công chứng bao gồm kỹ năng hành nghề công chứng và các công việc liên quan đến công chứng sau:

Kỹ năng tiếp nhận, phân loại yêu cầu công chứng; kỹ năng kiểm tra tính xác thực, tính hợp pháp của các giấy tờ có trong hồ sơ yêu cầu công chứng; kỹ năng xem xét, nhận dạng chủ thể, năng lực hành vi dân sự của người tham gia ký kết hợp đồng; giao dịch;

Kỹ năng  ứng xử với người yêu cầu công chứng, ứng xử theo Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; kỹ năng giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng; kỹ năng giải thích lý do khi từ chối yêu cầu công chứng;

Kỹ năng nghiên cứu và đề xuất hướng giải quyết hồ sở yêu cầu công chứng;

Kỹ năng soạn thảo hợp đồng, giao dịch theo yêu cầu của người yêu cầu công chứng; kỹ năng kiểm tra tính xác thực, tính hợp pháp của dự thảo hợp đồng, giao dịch do người yêu cầu cồn chứng soạn thảo sẳn; kỹ năng xác minh;

Kỹ năng công chứng bản dịch; kỹ năng chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản;

Kỹ năng soạn thảo lời chứng;

Kiểm tra, sắp xếp, phân loại hồ sơ đã được công chứng, chứng thực để đưa vào lưu trữ;

Các kỹ năng và công việc liên quan đến công chứng khác theo sự phân công của công chứng viên hướng dẫn tập sự.

Việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng phải dựa trên nguyên tắc: Nghiêm túc, công khai, công bằng, khách quan, trung thực và hiệu quả và tuân thủ quy định của Luật công chứng, Thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan. Nội dung kiểm tra bao gồm: Pháp luật về công chứng, chứng thực; Quy tắc đạo đức hành nghề công chứngKỹ năng hành nghề công chứng

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp như sau:

Cục Bổ trợ tư pháp là cơ quan tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về công chứng, có các nhiệm vụ, quyền hạn như: Hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc liên quan đến việc thực hiện Thông tư này; Kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về tập sự hành nghề công chứng theo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất trong trường hợp cần thiết (Đối tượng kiểm tra là Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự, Người tập sự và công chứng viên hướng dẫn tập sự. Nội dung kiểm tra bao gồm việc đăng ký tập sự; việc quản lý tập sự; việc đề nghị kiểm tra kết quả tập sự, đề nghị bổ nhiệm công chứng viên và các vấn đề khác có liên quan đến việc tập sự. Thời gian và nội dung kiểm tra phải được thông báo cho đối tượng kiểm tra chậm nhất là 07 ngày làm việc trước khi tiến hành kiểm tra); Giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng theo quy định của Thông tư này; Thanh tra; xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tập sự hành nghề công chứng theo quy định của pháp luật; Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật công chứng, Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Thanh tra Bộ, Học viện Tư pháp, Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình liên quan đến việc tập sự hành nghề công chứng và phối hợp với Cục Bổ trợ tư pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2015. Thông tư số 01/2014/TT-BTP ngày 03 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.