Quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

10/09/2014
Ngày 8/9/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí về công khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý thông tin phát hiện lãng phí và biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí; thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bồi thường thiệt hại trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xác định và sử dụng nguồn tiền thưởng từ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Việc thực hiện công khai thực hành tiết kiệm chống lãng phí phải tuân theo các nguyên tắc sau: Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin phải công khai và phù hợp với đối tượng tiếp nhận thông tin công khai; Cập nhật thường xuyên các thông tin đã công khai; Tuân thủ đầy đủ các quy định về nội dung, thời hạn và hình thức công khai.

Công khai về hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí phải có đủ các nội dung như tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức có hành vi lãng phí; Hành vi lãng phí; biện pháp đã xử lý đối với người có hành vi lãng phí.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm lựa chọn hình thức công khai phù hợp với nội dung công khai, đối tượng công khai; tổ chức thực hiện việc công khai trong phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý. Trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định bắt buộc về hình thức công khai thì phải áp dụng hình thức công khai đó.

Tùy theo quy mô cơ quan, tổ chức, phạm vi ảnh hưởng của lĩnh vực, địa bàn hoạt động, việc công khai Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kết quả thực hành tiết kiệm; hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí thực hiện theo một trong các hình thức như công bố tại cuộc họp, niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức; Đưa lên Trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử (nếu có) của cơ quan, tổ chức hoặc Thông báo trên các ấn phẩm báo chí của cơ quan, tổ chức hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng.

Cũng theo Nghị định, Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có các nội dung chủ yếu sau: Các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; Mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, yêu cầu chống lãng phí, trong đó có mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; Biện pháp bảo đảm thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, yêu cầu chống lãng phí đề ra; Trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2014. Bãi bỏ Nghị định số 68/2006/NĐ-CP ngày 18/7/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và bãi bỏ các quy định về bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật tại Nghị định số 84/2006/NĐ-CP ngày 18/8/2006 của Chính phủ quy định về bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.