Ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành 11 luật được Quốc hội khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7

22/08/2014
Tại kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2013), Quốc hội khóa XIII đã thông qua 11 luật, gồm 10 luật do Chính phủ trình và 01 luật do Tòa án nhân dân tối cao trình (Luật phá sản), hầu hết các luật đều có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015. Riêng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày 26/6/2014. Qua rà soát cho thấy 11 luật giao 197 nội dung cho Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định chi tiết.

Để triển khai thi hành 11 luật, ngày 11/8/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành (Quyết định số 1338/QĐ-TTg). Theo đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 35 văn bản (Nghị định, quyết định) quy định chi tiết 116/197 nội dung (Xem tại Danh mục & phân công kèm theo).

Ngoài việc ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ ngành thực hiện một số giải pháp nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ trình và thời điểm có hiệu lực của văn bản quy định chi tiết cùng với thời điểm có hiệu lực của Luật. Cụ thể:

(i) Cơ quan chủ trì soạn thảo ưu tiên, tập trung bố trí đủ nhân lực và kinh phí cho việc nghiên cứu, soạn thảo các văn bản bảo đảm chất lượng và thời hạn trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định này.

(ii) Cho phép cơ quan chủ trì soạn thảo áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với việc xây dựng, ban hành các văn bản theo Quyết định này.

(iii) Các cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ xây dựng kế hoạch nghiên cứu, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, trình ban hành đối với từng văn bản quy định chi tiết; phân công, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng, trình văn bản; công khai nội dung công việc, tiến độ, tên chuyên viên đơn vị theo dõi và lãnh đạo phụ trách, kết quả cụ thể từng giai đoạn.

(iv) Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ cử người tham gia việc soạn thảo, chỉnh lý; theo dõi ngay từ đầu, liên tục suốt quá trình xây dựng, trình ban hành; ưu tiên và đẩy nhanh tiến độ thẩm định, thẩm tra các văn bản quy định chi tiết, nhất là các văn bản cần ban hành sớm.

(v) Trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo văn bản, nếu có vướng mắc, cơ quan chủ trì soạn thảo chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan giải quyết hoặc kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực.

Tuy nhiên, một vấn đề cần lưu ý là do 10/11 luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015 và để bảo đảm các văn bản quy định chi tiết có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của luật, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải khẩn trương nghiên cứu, xây dựng để trình Chính phủ, Thủ tướng các Nghị định, quyết định quy định chi tiết trước ngày 15/10/2014, ngoại trừ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam phải trình Chính phủ trước ngày 30/8/2014.

Qua tổng hợp bước đầu đề xuất của các Bộ, cơ quan ngang Bộ thì với 81/197 nội dung giao quy định chi tiết, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cần ban hành khoảng 60 thông tư, thông tư liên tịch.