Quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng

19/08/2014
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 81/2014/NĐ-CP ngày 14/8 quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng.

Nghị định quy định việc xác định chi phí giám định, chi phí định giá tài sản, mức chi phí cho người làm chứng, mức chi phí cho người phiên dịch và thủ tục thanh toán chi phí quy định tại Điều 9, Điều 35, Điều 46, Điều 52 và Điều 57 Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng. 

Đối tượng áp dụng của Nghị định là cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến việc giám định, định giá, làm chứng và phiên dịch trong tổ tụng.

Theo đó, chi phí tiền lương, thù lao cho người thực hiện giám định được quy định như sau:

Chi phí tiền lương được áp dụng trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định đối với tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Tổ chức thực hiện giám định căn cứ vào nội dung yêu cầu giám định, khối lượng công việc, thời gian cần thiết thực hiện giám định và các quy định của chế độ tiền lương hiện hành áp dụng đối với mình xác định chi phí tiền lương làm cơ sở thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng.

Chi phí thù lao được áp dụng trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định đối với giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước và người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước căn cứ nội dung yêu cầu giám định, khối lượng công việc, thời gian cần thiết thực hiện giám định và tiền lương, thu nhập thực tế của mình xác định mức thù lao hợp lý thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng.Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước căn cứ quy định của pháp luật về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp xác định thù lao giám định tư pháp thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng.

Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch được xác định bao gồm một hoặc một số chi phí nhu tiền lương hoặc thù lao cho người làm chứng; tiền công cho người phiên dịch; Chi phí đi lại (nếu có); Chi phí lưu trú (nếu có); Các chi phí khác phát sinh (nếu có) theo quy định tại Nghị định này.

Chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch được tính theo ngày và thời gian thực tế tham gia phiên tòa, phiên họp và các hoạt động tố tụng khác giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự.

Người làm chứng, người phiên dịch tại phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính và các hoạt động tố tụng khác giải quyết vụ án hình sự, được hưởng chế độ tiền lương, thù lao cho người làm chứng, chế độ tiền công cho người phiên dịch bằng 50% mức chi phí đối với người làm chứng, người phiên dịch khi tham gia phiên tòa quy định tại Nghị định này.

Về thù lao cho người làm chứng tham gia phiên tòa giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự, Nghị định quy định: Thù lao cho người làm chứng áp dụng cho các trường hợp không hưởng tiền lương theo quy định nêu trên; Mức thù lao cho người làm chứng được hưởng bằng 100% mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tính theo ngày lương do Nhà nước quy định.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2014.