Kết hôn: nam từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết: Về độ tuổi kết hôn một số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành hoặc bổ sung từ “đủ” đối với cả nam và nữ; một số ý kiến đề nghị quy định độ tuổi kết hôn đối với nữ là “từ đủ mười tám tuổi trở lên”; có ý kiến đề nghị quy định độ tuổi kết hôn của cả nam và nữ là “từ đủ hai mươi tuổi trở lên”.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, quy định từ “đủ” đối với cả nam và nữ để bảo đảm sự thống nhất trong cách tính độ tuổi với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Đối với nữ, quy định từ đủ 18 tuổi trở lên là phù hợp với pháp luật dân sự và tố tụng dân sự. Do đó, điểm a, khoản 1 Điều 8 của dự thảo Luật được sửa đổi: “Nam từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên”.
Về quy định giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn , đa số ý kiến tán thành với quy định như dự thảo Luật; một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này để tránh làm gia tăng tình trạng nam, nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, bổ sung quy định cấm nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung khái niệm “hôn nhân thực tế”; làm rõ “thời kỳ hôn nhân” để xác định cha, mẹ của các con tại Điều 88; bỏ quy định “Công việc nội trợ... như lao động có thu nhập” hoặc sửa đổi cho phù hợp.
Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc quy định nam, nữ đủ điều kiện kết hôn chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng và thời gian chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn sẽ không được tính là thời kỳ hôn nhân là thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, nếu bổ sung khái niệm “hôn nhân thực tế” sẽ vô hiệu hóa các quy định của pháp luật về đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, quyền lợi của đứa trẻ sinh ra trước thời điểm bố, mẹ đăng ký kết hôn vẫn được bảo đảm theo quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Quy định chặt các điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Về quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho biết: do còn ý kiến khác nhau, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này. Kết quả có 59,1% (237/401) đại biểu tán thành với việc quy định vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), 39,9% (160/401) đại biểu không tán thành bổ sung quy định này. Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong dự thảo Luật thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng nhu cầu làm cha mẹ chính đáng của các cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đa số đại biểu về quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, quy định cụ thể điều kiện, nội dung thỏa thuận, quyền, nghĩa vụ các bên chặt chẽ để ngăn ngừa việc mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Có ý kiến đề nghị bổ sung tại Điều 95 “trong trường hợp không có người thân thích cùng hàng thì có thể nhờ người khác mang thai hộ”, đồng thời quy định cụ thể “độ tuổi phù hợp”.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là một nội dung mới nên cần quy định chặt chẽ về các điều kiện, trong đó có điều kiện người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng để ngăn ngừa tình trạng thương mại hóa việc mang thai hộ. Độ tuổi của người mang thai hộ sẽ được Chính phủ quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định bên nhờ mang thai hộ có nghĩa vụ chứng minh khả năng tài chính để chi phí cho quá trình mang thai hộ và nuôi con hoặc thực hiện ký quỹ bằng một khoản tiền nhất định để đảm bảo quyền lợi cho đứa trẻ sinh ra.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo quy định của dự thảo Luật, thỏa thuận về việc mang thai hộ được thực hiện giữa những người thân thích vì mục đích nhân đạo. Các quy định tại dự thảo luật về nội dung thỏa thuận mang thai hộ, quyền, nghĩa vụ của các bên đều có quy định nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ về chi phí để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho người mang thai hộ.
Thu Hằng
Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
1. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
2. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
b) Vợ chồng đang không có con chung;
c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
4. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với các quy định trong pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
(Điều 95 Luật HN và GĐ sửa đổi) |
Xác định cha, mẹ:
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
(Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình sửa đổi) |