Hướng dẫn thực hiện chịu trách nhiệm bồi thường Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước

13/03/2013
Vừa qua, Liên Bộ Tư pháp – Bộ Tài chính – Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư 08/2013/TTLT-BTP-BTC-TTCP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước.

Theo Thông tư này, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước chỉ phát sinh khi có đầy đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất: Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật;

Các loại văn bản đó là: Quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật; kết luận nội dung tố cáo của cơ quan hoặc người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết vụ án dân sự đã có hiệu lực pháp luật tuyên hủy quyết định hành chính; bản án quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật xác định người thi hành công vụ có hành vi phạm tội trong khi thi hành công vụ mà tại bản án, quyết định đó chưa xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội của người thi hành công vụ gây ra.

Thứ hai: Có hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

Các hành vi trái pháp luật đó là: Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

Áp dụng biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ nhà ở, công trình, vật kiến trúc và biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khác; Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào trường giáo dưỡng, đưa người vào cơ sở giáo dục hoặc đưa người vào cơ sở chữa bệnh; Cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép;  Áp dụng thuế, phí, lệ phí; thu thuế, phí, lệ phí; truy thu thuế; thu tiền sử dụng đất;  Áp dụng thủ tục hải quan; Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Ban hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; Cấp văn bằng bảo hộ cho người không đủ điều kiện được cấp văn bằng bảo hộ; cấp văn bằng bảo hộ cho đối tượng sở hữu công nghiệp không đủ điều kiện được cấp văn bằng bảo hộ; ra quyết định chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ; Không cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép, văn bằng bảo hộ cho đối tượng có đủ điều kiện; Và các trường hợp được bồi thường khác do pháp luật quy định.

Thứ ba: Có thiệt hại thực tế xảy ra;

Thứ tư: Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.

Khi có đủ bốn điều kiện trên thì trách nhiệm bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính mới phát sinh. Nhà nước không bồi thường nếu thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi của người bị hại; nếu người thi hành công vụ người bị thiệt hại cùng có lỗi thì Nhà nước chỉ bồi thường một phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người thi hành công vụ.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 14/04/2013.

Hồng Ngọc