Nghị định này áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân, nhập ngũ, tuyển dụng sau ngày 30/4/1975 trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế có từ đủ 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội, công an, cơ yếu hiện không thuộc diện đang hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hoặc chế độ bệnh binh hàng.
Cũng theo Nghị định này quy định về địa bàn, thời gian xảy ra chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế được quy định như sau:
1. Trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là trực tiếp làm nhiệm vụ chiếu đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ truy quét Ful rô ở Tây Nguyên trong địa bàn và thời gian quy định. Địa bàn xảy ra chiến sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là các huyện thuộc biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, gồm cả các huyện đảo biên giới và khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, DK1; các tỉnh Tây Nguyên và các địa bàn phụ cận có xảy ra chiến sự.
Thời gian xảy ra chiến sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế được xác định như sau: Ở biên giới Tây Nam từ tháng 5/1975 đến ngày 07/01/1979; Ở biên giới phía Bắc từ tháng 02/1979 đến ngày 31/12/1988; Truy quét Ful rô từ tháng 5/1975 đến tháng 12/1992; Làm nhiệm vụ giúp bạn Lào từ tháng 5/1975 đến ngày 31/12/1988; Làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chia từ tháng 01/1979 đến ngày 31/8/1989.
Thời gian công tác để tính hưởng chế độ hưu trí được quy định như sau:
a) Thời gian công tác thực tế trong quân đội, công an, cơ yếu có đóng bảo hiểm xã hội hoặc được coi là đã đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng chế độ hưu trí, bao gồm: thời gian là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên chức quốc phòng, công nhân viên chức công an, người làm công tác cơ yếu. Thời gian công tác trên nếu có gián đoạn thì được cộng dồn.
b) Thời gian công tác để tính hưởng chế độ hưu trí nếu có tháng lẻ thì dưới 3 tháng không tính, có từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng được tính bằng một nửa (1/2) mức hưởng của một năm đóng bảo hiểm xã hội, có từ trên 6 tháng đến 12 tháng được tính bằng mức hưởng của một năm đóng bảo hiểm xã hội.
2. Mức lương hưu hàng tháng của các đối tượng quy định được tính theo số năm thực tế phục vụ trong quân đội, công an, cơ yếu. Mức lương hưu và mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định như sau:
a) Mức lương hưu: cứ đủ 15 năm tính bằng 45% mức bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội; sau đó, cứ thêm một năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 3% đối với nữ và 2% đối với nam. Mức lương hưu hàng tháng tối đa bằng 75% mức bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Trường hợp đối tượng thuộc diện hưởng sinh hoạt phí thì mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 01 tháng lương tối thiểu chung theo quy định của Chính phủ cho từng thời kỳ.
b) Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu hàng tháng là bình quân tiền lương tháng của 5 năm cuối (60 tháng) trước khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc, chuyển ngành hoặc chuyển sang đoàn điều dưỡng thương binh thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý hoặc trước khi đi lao động hợp tác quốc tế.
c) Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối, bao gồm: tiền lương theo cấp bậc quân hàm, ngạch, bậc và các khoản phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) được chuyển đổi thành hệ số lương tương ứng quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Mức lương quân hàm Chuẩn úy tính bằng hệ số 3,90.
Nghị định cũng quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự giải quyết chế độ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/5/2012 và đối được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng kể từ ngày 01/01/2012./.
Tô Hoàng