Điều chỉnh giá của 445/3.000 dịch vụ y tế

14/02/2012
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế (tại Văn bản số 7924/BYT-KH-TC) về việc điều chỉnh giá các dịch vụ y tế ban hành tại Thông tư liên Bộ số 14/TTLB năm 1995 và một số dịch vụ ban hành năm 2006.

Bộ Y tế đề nghị sửa đổi khung giá khám bệnh từ 3.000 đồng/lần khám lên cao nhất là 20.000 đồng/lần khám; giá ngày giường bệnh từ 20.000 đồng/ngày lên cao nhất là 150.000 đồng/ngày, bổ sung mức thu giường bệnh hồi sức tích cực (ICU) tối đa là 335.000 đồng/ngày; ban hành giá mới của 3.000 dịch vụ do bỏ 148 dịch vụ hiện nay không làm, do sắp xếp lại hoặc có sự trùng lắp, điều chỉnh giá 308 dịch vụ với 7 dịch vụ giảm, bổ sung giá của 82 dịch vụ do chưa có giá thu, 181 dịch vụ có mức điều chỉnh dưới 5 lần, 94 dịch vụ có mức điều chỉnh từ 5 lần trở lên, 2 dịch vụ điều chỉnh tên, 37 dịch vụ điều chỉnh tăng dưới 2 lần, 13 dịch vụ điều chỉnh tăng trên 4 lần. Còn khoảng 2.600 dịch vụ không điều chỉnh giá.

Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế sẽ có tác động khác nhau theo từng đối tượng nhưng người dân có thẻ BHYT chỉ phải đóng thêm 5- 20% của số tăng thêm. Đối với khoảng 38% dân số còn lại chưa có thẻ BHYT có bị ảnh hưởng nhưng do điều chỉnh giá của 445/3.000 dịch vụ y tế nên các đối tượng này vẫn có khả năng chi trả.

Thống kê của ngành Y tế cho thấy, trong tổng số viện phí mà người bệnh và quỹ BHYT thanh toán cho các bệnh viện có tới trên 60% là tiền thuốc, máu, dịch truyền, vật tư thay thế mà người bệnh đã trực tiếp sử dụng, thu theo giá đấu thầu của các bệnh viện nên không bị ảnh hưởng. Còn lại khoảng 40% là số thu của khoảng 3.000 dịch vụ. Thời gian điều chỉnh dự kiến từ quí II/2012, chỉ điều chỉnh giá khám bệnh, ngày giường bệnh và giá của khoảng 15% trong số khoảng 3.000 dịch vụ nên mức tăng không nhiều./.

H.Giang



Các tin khác