Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra

24/09/2011
Ngày 20/9/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra.

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra về nguyên tắc hoạt động thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan thanh tra nhà nước; hoạt động thanh tra; thanh tra lại; quản lý nhà nước về công tác thanh tra; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm công tác thanh tra; xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh tra.

Nghị định áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước; Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, Thanh tra viên, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; đối tượng thanh tra; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thanh tra.

Hoạt động thanh tra hành chính được tiến hành theo Đoàn thanh tra; hoạt động thanh tra chuyên ngành được tiến hành theo Đoàn thanh tra hoặc do Thanh tra viên, công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tiến hành độc lập.

Trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết khác đối với hoạt động thanh tra; chỉ đạo xử lý, thực hiện các kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý về thanh tra.

Nghị định quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan thanh tra nhà nước; hoạt động thanh tra (bao gồm: hoạt động thanh tra hành chính; hoạt động thanh tra chuyên ngành; thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra;  hồ sơ thanh tra, chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm để khởi tố vụ án hình sự, công khai kết luận thanh tra; thanh tra lại; trách nhiệm thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra; quản lý nhà nước về công tác thanh tra; trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm công tác thanh tra.

Đặc biệt, Nghị định có quy định rất chi tiết  về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thanh tra, gồm:  Xử lý hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra, cơ quan,  tổ chức, cá nhân có liên quan; Xử lý hành vi vi phạm của người tiến hành thanh tra, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, thành viên khác của Đoàn thanh tra; Xử lý hành vi không thực hiện trách nhiệm thông tin, báo cáo; không xử lý và chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2011 và thay thế Nghị định số 41/2005/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra; Nghị định số 61/1998/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hết hiệu lực thi hành.

P.N