Theo đó, Thông tư này quy định về việc kiểm tra văn bản QPPL và xử lý văn bản trái pháp luật của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc kiểm tra văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.
Tại Thông tư quy định rõ trách nhiệm, trình tự, thủ tục tự kiểm tra, xử lý các văn bản sau:
- Các văn bản quy phạm pháp luật do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành hoặc liên tịch ban hành (bao gồm: Thông tư, thông tư liên tịch);
- Các văn bản của Ngân hàng Nhà nước khi có yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân, các cơ quan thông tin đại chúng hoặc do cán bộ, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước phát hiện trong quá trình kiểm tra về dấu hiệu trái pháp luật của văn bản (bao gồm: Văn bản do Thống đốc ký có chứa QPPL nhưng không được ban hành bằng hình thức thông tư, thông tư liên tịch; Văn bản có thể thức và nội dung như văn bản QPPL, văn bản có thể thức không phải là văn bản QPPL nhưng có chứa QPPL do Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước ban hành)
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định rõ thẩm quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trình tự, thủ tục kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền của Thống đốc đối với Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ khác; Thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quang ngang Bộ khác; Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Quyết định, Chỉ thị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối.
Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13 tháng 11 năm 2011 và thay thế các quy định về kiểm tra và xử lý văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 38/2006/QĐ-NHNN ngày 01/8/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Lê Anh