Theo đó, Nghị định quy định mức phạt cụ thể đối với 5 nhóm hành vi:
- Vi phạm các quy định về giấy phép và sử dụng tần số vô tuyến điện;
- Vi phạm các quy định về chất lượng phát xạ vô tuyến điện, an toàn bức xạ vô tuyến điện và tương thích điện từ;
- Vi phạm các quy định về xử lý nhiễu có hại;
- Vi phạm các quy định về đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh;
- Vi phạm các quy định về chế độ báo cáo, không chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với mỗi hành vi vi phạm, tổ chức, cá nhân phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Cụ thể, mức phạt tiền thấp nhất là 200 - 500 nghìn đồng áp dụng đối với một số hành vi như: không khai báo, không làm thủ tục xin cấp lại giấy phép tối đa sau 15 ngày kể từ khi thay đổi tên cá nhân, tổ chức được cấp giấy phép hoặc giấy phép bị mất, bị hư hỏng… hay như hành vi bán thiết bị vô tuyến điện thuộc Danh mục thiết bị vô tuyến điện có khả năng gây nhiễu có hại phải chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy nhưng không có chứng nhận hợp quy hoặc không có công bố hợp quy hoặc không có dấu hợp quy.
Mức phạt cao nhất là 70 - 100 triệu đồng sẽ áp dụng đối với 3 hành vi: Sử dụng băng tần không có giấy phép (phạt từ 70 - 100 triệu đồng/1 thiết bị điện); Sử dụng thiết bị gây nhiễu có hại cho thông tin vô tuyến dẫn đường, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh khi đã có yêu cầu ngừng sử dụng thiết bị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Phá hoại cơ sở hạ tầng kỹ thuật vô tuyến điện hoặc cản trở trái pháp luật việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật vô tuyến điện hợp pháp.
Ngoài ra, Nghị định 51/2011/NĐ-CP còn quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt của Thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện, Thanh tra chuyên ngành khác, UBND các cấp, Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, cơ quan Thuế, cơ quan Quản lý thị trường. Trong đó, Chánh Thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện cấp Bộ có quyền phạt tiền đến mức cao nhất 100.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định cụ thể việc phân định thẩm quyền xử phạt trong trường hợp VPHC thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, hay như trong trường hợp xử phạt 1 người thực hiện nhiều hành vi vi phạm.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2011 và bãi bỏ Mục 3 Chương II Nghị định 142/2004/NĐ-CP ngày 8/7/2004./.
Lê Anh