Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, Công chức hiện hành và Nghị định số 114/NĐ-CP ngày 10-10-2003, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21-10-2003 của Chính phủ thì những người được tuyển dụng, giao giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc UBND cấp xã (gọi chung là công chức cấp xã), gồm có:
Trưởng công an (nơi chưa bố trí lực lượng công an chính quy), chỉ huy trưởng quân sự, văn phòng - thống kê, địa chính - xây dựng, tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch, văn hóa - xã hội. Cán bộ không chuyên trách cấp xã bao gồm: Trưởng ban Tổ chức Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và 1 cán bộ Văn phòng Đảng ủy, Phó Trưởng công an (nơi chưa bố trí lực lượng công an chính quy), Phó Chỉ huy trưởng quân sự, cán bộ kế hoạch - giao thông - thủy lợi - nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, lao động thương binh và xã hội, dân số - gia đình và trẻ em, thủ quỹ - văn thư - lưu trữ, phụ trách đài truyền thanh, quản lý nhà văn hóa, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, phó các đoàn thể cấp xã: Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh. Cán bộ không chuyên trách ở thôn và tổ dân phố gồm: Bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, công an viên ở thôn và bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố ở phường, thị trấn.
Cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố được hưởng chế độ phụ cấp hằng tháng. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng cán bộ không chuyên trách cho từng xã, phường, thị trấn và mức phụ cấp cụ thể cho từng chức danh cán bộ không chuyên trách.
Như vậy, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã thực hiện nhiệm vụ công vụ và được hưởng lương của công chức, còn phó trưởng công an xã không phải là công chức nhưng được hưởng phụ cấp. Trong trường hợp công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã kiêm nhiệm phó trưởng công an cấp xã thì công chức tư pháp - hộ tịch được hưởng phụ cấp theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh nơi người đó công tác.
(Theo Nhân dân)