Quy định về đấu giá bán hàng dự trữ quốc gia

15/03/2011
Ngày 25/02/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 25/2011/TT-BTC quy định về đấu giá bán hàng dự trữ quốc gia. Theo đó, Thông tư quy định đấu giá bán hàng dự trữ quốc gia là các loại vật tư; nguyên, nhiên vật liệu; máy móc; thiết bị; phương tiện dự trữ quốc gia được phép bán thanh lý hoặc xuất luân phiên đổi hàng.

Đối tượng áp dụng là các Bộ, ngành trực tiếp quản lý hàng dự trữ quốc gia; Tổng cục Dự trữ Nhà nước; cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ xuất bán hàng dự trữ quốc gia; Tổ chức, cá nhân có liên quan đến đấu giá bán hàng dự trữ quốc gia.

Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền và trách nhiệm trong đấu giá bán hàng dự trữ quốc gia; Tổ chức bán đấu giá hàng dự trữ quốc gia; Kế hoạch bán đấu giá hàng dự trữ quốc gia; Nguyên tắc xác định giá khởi điểm của đơn vị tài sản hàng dự trữ quốc gia trong kế hoạch bán đấu giá; Đăng ký tham gia đấu giá hàng dự trữ quốc gia.

Nội dung của kế hoạch bán đấu giá bao gồm: Danh mục, quy cách; ký mã hiệu; số lượng hoặc khối lượng; số lượng đơn vị tài sản bán đấu giá; Giá khởi điểm của từng đơn vị tài sản bán đấu giá (có hồ sơ tài liệu làm căn cứ xây dựng giá kèm theo); Khoản tiền đặt trước của từng đơn vị tài sản bán đấu giá; Thời hạn tổ chức cuộc bán đấu giá của từng đơn vị tài sản bán đấu giá; Thời hạn, phương thức thanh toán, hình thức thanh toán; Địa điểm, thời hạn và phương thức giao hàng; Các vấn đề khác có liên quan (nếu có).

Về nguyên tắc xác định giá khởi điểm của đơn vị tài sản hàng dự trữ quốc gia trong kế hoạch bán đấu giá: Đơn vị bán hàng lập phương án giá theo quy định hiện hành trình Bộ, ngành trực tiếp quản lý kiểm tra, tổng hợp và gửi Cục Quản lý giá thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định giá bán tối thiểu. Đối với những danh mục mặt hàng dự trữ quốc gia theo quy định phải thẩm định giá của Tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật thì phải thực hiện thẩm định giá. Giá khởi điểm hàng dự trữ quốc gia bán đấu giá được xác định phù hợp với chủng loại, danh mục mặt hàng; chất lượng; giá thị trường của loại hàng cùng loại hoặc tương tự tại thời điểm xác định giá nhưng không được thấp hơn mức giá bán tối thiểu do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định. Trường hợp cuộc bán đấu giá có nhiều vòng đấu giá thì giá khởi điểm của vòng đấu liền kề tiếp theo được xác định trên cơ sở mức giá đã trả cao nhất (không thấp hơn giá khởi điểm của vòng đấu đó) cộng (+) thêm một bước giá. Bước giá do Tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp hoặc Hội đồng bán đấu giá quy định cụ thể cho từng cuộc bán đấu giá.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định cụ thể đối với hợp đồng mua bán hàng dự trữ quốc gia bán đấu giá; Phí, chi phí trong đấu giá bán hàng dự trữ quốc gia; Hồ sơ xuất hàng; Kiểm tra về đấu giá bán hàng dự trữ quốc gia. Theo đó nếu trong trường hợp đấu giá thành, người mua được tài sản đấu giá phải ký kết hợp đồng mua bán hàng dự trữ quốc gia bán đấu giá với đơn vị bán hàng. Thời hạn ký kết hợp đồng, do các bên thỏa thuận, nhưng tối đa không quá 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc bán đấu giá. Hết thời hạn quy định trên, người mua được tài sản bán đấu giá không ký kết hợp đồng mua bán hàng; không thực hiện bảo đảm thực hiện hợp đồng hoặc ký kết hợp đồng nhưng không thanh toán đủ tiền mua hàng trong thời hạn quy định thì coi như từ chối mua hàng.

Hợp đồng mua bán hàng dự trữ quốc gia có các nội dung chính sau: Tên, địa chỉ của tổ chức, đơn vị bán đấu giá hàng dự trữ quốc gia; Họ, tên của đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá hàng dự trữ quốc gia; Tên, địa chỉ của đơn vị bán hàng; Tên, địa chỉ, tài khoản giao dịch của tổ chức, đơn vị; tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân của cá nhân mua được hàng dự trữ quốc giá bán đấu giá; Thời gian, địa điểm bán đấu giá hàng dự trữ quốc gia; Danh mục, quy cách, số lượng, khối lượng hàng dự trữ quốc gia bán đấu giá; Giá khởi điểm của hàng dự trữ quốc gia bán đấu giá; Giá bán hàng dự trữ quốc gia; Thời hạn, phương thức, địa điểm thanh toán tiền mua hàng dự trữ quốc gia bán đấu giá; Thời hạn, địa điểm giao, nhận hàng dự trữ quốc gia bán đấu giá; Trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ của các bên. Thanh lý hợp đồng: trong thời hạn không quá 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày hai bên hoàn thành việc giao, nhận hàng.

Phí, chi phí trong đấu giá bán hàng dự trữ quốc gia: Nội dung chi phí bán đấu giá, bao gồm: chi thuê thẩm định giá (nếu có); chi phí thuê Tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp; chi thông báo, niêm yết, chi lập hồ sơ hàng hóa và tổ chức cuộc bán đấu giá của Hội đồng bán đấu giá; các chi phí khác có liên quan. Nguồn kinh phí thực hiện đấu giá bán hàng dự trữ quốc gia, bao gồm: nguồn dự toán chi cho công tác quản lý dự trữ quốc gia được giao hàng năm; thu phí đấu giá của người đăng ký tham gia đấu giá. Mức thu phí, thanh toán, quản lý và sử dụng phí đấu giá thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính. Việc thanh toán chi phí đấu giá phải có đầy đủ chứng từ, hoá đơn theo đúng chế độ quy định hiện hành.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2011. Đồng thời bãi bỏ Quyết định số 103/2008/QĐ-BTC ngày 12/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính./.

Thành Công