Thông tư này hướng dẫn việc xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan quy định tại Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, gồm: Hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan quá thời hạn 90 ngày, kể từ ngày hết hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan mà chủ hàng không ký hợp đồng gia hạn hoặc không đưa hàng ra khỏi kho ngoại quan; Hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan quá thời hạn 90 ngày, kể từ ngày hết hạn hợp đồng gia hạn thuê kho ngoại quan mà chủ hàng không đưa hàng ra khỏi kho ngoại quan; Hàng hoá trong thời hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan nhưng chủ hàng có văn bản từ bỏ hàng hoá gửi kho ngoại quan. Đối với hàng hoá còn trong thời hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan nhưng chủ kho ngoại quan phát hiện hàng hoá đó bị hư hỏng gây ô nhiễm môi trường, hàng hoá hết hạn sử dụng thì chủ kho ngoại quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ hàng hoá biết để xử lý theo quy định và hợp đồng thuê kho ngoại quan. Trường hợp quá hạn xử lý theo thông báo mà chủ hàng không xử lý thì hàng hoá đó được xử lý theo quy định tại Thông tư này.
Việc xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan, Thông tư đã quy định cụ thể về việc thông báo về hàng hoá gửi trong kho ngoại quan, quy định chi tiết hồ sơ đề nghị xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan cũng như trình tự xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định về thông báo về hàng hoá gửi trong kho ngoại quan cũng như về Hội đồng xử lý tồn đọng trong kho ngoại quan.
So với Thông tư số 36/2003/TT-BTC ngày 16/4/2003 về hướng dẫn xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan trước đây, Thông tư mới quy định cụ thể và chi tiết hơn.
Về hồ sơ đề nghị xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan, Thông tư quy định cụ thể số lượng hồ sơ. Theo quy định này, hồ sơ được lập thành hai bộ, một bộ gửi Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan, một bộ lưu tại kho ngoại quan. Thông tư cũng quy định cụ thể danh mục các văn bản kèm theo trong bộ hồ sơ, quy định rõ các giấy tờ phải nộp theo bản chính hoặc bản sao.
Về trình tự xử lý hàng tồn đọng trong kho ngoại quan, Thông tư quy định thành 4 điểm chính.
Về việc quản lý số tiền thu từ bán hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan, toàn bộ tiền thu về bán hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan thay vì “được nộp vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính - Vật giá tại địa phương có kho ngoại quan” như quy định trước đây, nay theo quy định mới được “nộp vào tài khoản tạm giữ của Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi có kho ngoại quan) mở tại Kho bạc Nhà nước”.
Việc chi bồi dưỡng cho các thành viên của Hội đồng xử lý trong quá trình xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan theo quy định trước đây có mức chi tối đa không quá 20.000 đồng/ngày/người, nay theo quy định mới, mức chi tối đa đã tăng lên không quá 70.000 đồng/ngày/người.
Về việc thanh toán đối với hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan phải tiêu huỷ, theo quy định cũ toàn bộ các chi phí liên quan đến việc tổ chức tiêu huỷ do Chủ kho ngoại quan chi trả và được hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp kho ngoại quan, nhưng theo quy định mới thì Chủ kho ngoại quan ứng trước kinh phí để thực hiện việc tiêu huỷ. Sau khi hoàn thành việc tiêu huỷ, chủ kho ngoại quan có trách nhiệm thông báo cho chủ hàng để hoàn trả cho chủ kho ngoại quan toàn bộ các chi phí liên quan đến việc tổ chức tiêu huỷ; trường hợp chủ hàng từ bỏ, từ chối hoặc không chi trả thì chủ kho ngoại quan được hạch toán số kinh phí đã ứng trước nhưng không thu hồi được vào chi phí của chủ kho ngoại quan.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20/01/2011. Bãi bỏ Thông tư số 36/2003/TT-BTC ngày 16/4/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý hàng hoá tồn đọng trong kho ngoại quan.
Đức Trung