Theo đó, viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. Viên chức được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư.
Nhà nước có chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ viên chức có đạo đức nghề nghiệp, có trình độ và năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khu vực cung ứng dịch vụ công; phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Ngoài các quyền và nghĩa vụ của viên chức về hoạt động nghề nghiệp, về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương, về làm việc, nghỉ ngơi; viên chức còn được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng, được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức và đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm (hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp), chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2003 có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý như viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn theo quy định của Luật này. Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục để bảo đảm các quyền lợi, chế độ, chính sách về ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác mà viên chức đang hưởng. Viên chức được tuyển dụng từ ngày 01/7/2003 đến ngày Luật này có hiệu lực tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập, có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý theo quy định của Luật này.
Luật Viên chức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012.
Thành Công