Thông tư được cơ cấu thành 7 điều, quy định các nội dung cơ bản sau:
1. Về phạm điều chỉnh
Thông tư hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo cho các hoạt động xây dựng các văn bản QPPL (Luật, Pháp lệnh,… đến Thông tư của Bộ trưởng, quyết định của Tổng kiểm toán nhà nước - Điều 2 Luật BHVBQPPL năm 2008) và các hoạt động xây dựng, hoàn thiện Hệ thống pháp luật (Nghiên cứu đề nghị xây dựng văn bản; lập dự kiến chương trình xây dựng văn bản; điều tra, nghiên cứu, khảo sát trong quá trình soạn thảo văn bản;… theo dõi, đánh giá việc thi hành văn bản - khoản 1 Điều 67 Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/3/2009 của Chính phủ).
2. Về nguồn kinh phí đảm bảo
- Thông tư quy định nguồn kinh phí cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật do ngân sách nhà nước cấp, được tổng hợp chung vào dự toán ngân sách chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
- Đối với xây dựng dự án Luật, Pháp lệnh, bao gồm cả xây dựng Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, ngoài nguồn kinh phí dự toán chung vào ngân dách chi thường xuyên, thì được bố trí một khoản kinh phí để hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và được thông báo, cấp cho cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự án luật, pháp lệnh.
- Kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật tại cơ quan, đơn vị được thực hiện theo chương trình, kế hoạch chính thức và chương trình, kế hoạch bổ sung trong năm.
3. Về nội dung chi
Thông tư đã quy định 14 nội dung chi cụ thể được áp dụng chung cho các hoạt động xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
- Tập hợp, rà soát, đánh giá văn bản;
- Dịch và hiệu đính tài liệu, văn bản;
- Nghiên cứu lý luận và đánh giá, tổng kết thực tiễn;
- Điều tra, khảo sát về vấn đề liên quan;
- Tổ chức họp, hội thảo, tọa đàm, hội nghị;
- Chi soạn thảo các loại đề cương, bản thuyết minh, tờ trình; báo cáo; dự thảo;
- Chi trả thù lao cho người tham gia;
- Chi tư vấn, góp ý, thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản;
- Tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, của đối tượng chịu tác động trực tiếp;
- Chỉnh lý, hoàn thiện đề cương, bản thuyết minh, tờ trình; báo cáo; dự thảo;
- Công bố văn bản quy phạm pháp luật;
- Tổ chức đánh giá sau khi thi hành văn bản;
- Tổ chức theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật;
- Các chi phí cần thiết khác.
Đồng thời, Thông tư cũng quy định tuỳ theo tính chất, mức độ phức tạp của mỗi hoạt động thì cơ quan, đơn vị chủ trì được linh hoạt thực hiện theo một số hoặc toàn bộ các nội dung chi này trên cơ sở mức chi đã được pháp luật về chế độ chi tiêu tài chính hoặc Thông tư này quy định.
Ví dụ: Hoạt động đánh giá tác động của văn bản, tuỳ theo tính chất, mức độ phức tạp của từng văn bản mà cơ quan chủ trì có thể được dự toán và chi theo các nội dung hoạt động sau:
a) Điều tra, khảo sát thực tiễn phục vụ cho hoạt động đánh giá tác động.
b) Tham vấn, lấy ý kiến các đối tượng, phục vụ đánh giá tác động.
c) Soạn thảo, chỉnh lý hoàn thiện đề cương báo cáo và báo cáo đánh giá tác động (bao gồm báo cáo sơ bộ, đơn giản, đầy đủ và báo cáo đánh giá tác động sau khi thi hành văn bản).
d) Tổ chức họp, hội thảo, tọa đàm, hội nghị nghiên cứu phục vụ hoạt động đánh giá tác động và góp ý hoàn thiện đề cương, báo cáo đánh giá tác động.
đ) Nội dung khác (nếu có).
4. Về mức chi
Thông tư quy định mức chi tối đa (mức trần) có tính chất đặc thù cho các nội dung chi theo các hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nếu so với Thông tư 100, các mức chi này đã được tăng lên từ 50 - 70%, có mức chi tăng tới 100%, (mức tăng này căn cứ trên cơ sở các quy định hiện hành về các chế độ chi tiêu tài chính, có tính đến hệ số trượt giá, lạm phát và mức tăng lương tối thiểu). Đó là:
- Mức chi cho việc soạn thảo đề cương chi tiết cho mỗi loại dự thảo văn bản và có phân biệt cho văn bản mới/thay thế với văn bản sửa đổi, bổ sung (mức cao nhất là 3.000.000 đồng/đề cương chi tiết của dự thảo luật, pháp lệnh soạn thảo mới/thay thế - mức thấp nhất là 800.000 đồng/đề cương dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung).
- Chi soạn thảo văn bản (soạn thảo Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư, Thông tư liên tịch và Quyết định của Tổng kiểm toán nhà nước). Mức cao nhất là 8.000.000 đ/dự thảo luật.
- Chi soạn thảo các loại báo cáo phục vụ công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật (Báo cáo tổng hợp ý kiến; báo cáo tổng kết đánh giá thực tiễn; báo cáo đánh giá tác động văn bản; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến; báo cáo nhận xét, đánh giá của người phản biện, uỷ viên hội đồng thẩm định, báo cáo tham luận theo yêu cầu của cơ quan soạn thảo; báo cáo tình hình thi hành pháp luật);
- Soạn thảo văn bản góp ý, báo cáo thẩm định, thẩm tra văn bản;
- Chỉnh lý hoàn thiện đề cương nghiên cứu, các loại báo cáo, bản thuyết minh, tờ trình;
- Chỉnh lý dự thảo văn bản;
- Chi cho cá nhân tham gia họp, hội thảo, toạ đàm, hội nghị và họp báo (tham gia họp, hội thảo, toạ đàm, hội nghị phục vụ công tác lập dự kiến chương trình, soạn thảo, đánh giá tác động, góp ý, thẩm định, thẩm tra văn bản; điều tra, khảo sát; theo dõi, đánh giá về tình hình thi hành pháp luật; tham dự buổi họp báo công bố);
- Chi thuê dịch và hiệu đính tài liệu;
- Chi lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia độc lập.
Bên cạnh đó, Thông tư còn quy định việc áp dụng và vận dụng các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, đó là việc áp dụng, vận dụng các mức chi cho các hoạt động cụ thể hoặc có tính chất tượng tự đã được pháp luật hiện hành quy định, như chế độ chi tiêu tài chính về công tác phí đi công tác trong và nước ngoài; hội nghị, hội thảo, tạo đàm; tạo lập tin điện tử và công nghệ thông tin; xây dựng và quản lý hệ cơ sở dữ liệu; tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát, điều tra xã hội học; tổ chức nghiên cứu khoa học; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; rà soát, hệ thống hoá và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật...
5. Về định mức phân bổ kinh phí
Thông tư quy định về định mức phân bổ kinh phí cho việc xây dựng từng văn bản quy phạm pháp luật cụ thể trên cơ sở các hoạt động, nội dung chi, mức chi đã được quy tại Thông tư và tùy thuộc vào mức phức tạp về nội dung của cùng một loại văn bản. Cụ thể:
- Đối với dự thảo Nghị định, mức phân bổ kinh phí tối đa từ 25 triệu - 40 triệu đồng;
- Đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mức phân bổ kinh phí tối đa từ 20 triệu - 35 triệu đồng;
- Đối với dự thảo Thông tư, Thông tư liên tịch, Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, mức phân bổ kinh phí tối đa từ 15 triệu - 30 triệu đồng.
- Đối với dự án Luật, Pháp lệnh thì mức phân bổ kinh phí được thực hiện căn cứ theo mức độ phức tạp của từng dự án Luật, Pháp lệnh.
Mặt khác, Thông tư quy định ngoài định mức kinh phí được phân bổ, căn cứ vào khả năng nguồn kinh phí, trong trường hợp cần thiết thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì sắp xếp, bố trí một khoản kinh phí từ nguồn ngân sách chi thường xuyên đã được giao để hỗ trợ cho việc thực hiện các hoạt động có liên quan trong quá trình xây dựng văn bản.
Ngoài những nội dung nêu trên, Thông tư quy định về thủ tục, trình tự lập dự toán; việc quản quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 16/01/2011, thay thế Thông tư số 100/2006/TT-BTC ngày 23/10/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
Vụ VĐCXDPL