Các quy định phải khả thi, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, huy động mọi nguồn lực phát triển

24/07/2024
Các quy định phải khả thi, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, huy động mọi nguồn lực phát triển
Đây là đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024 - phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 6 trong năm 2024 vào ngày 24/7.
Cùng tham dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thành kính dành phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa từ trần.
Tiếp đó, các thành viên Chính phủ đã thảo luận 5 nội dung quan trọng, gồm 2 đề nghị xây dựng luật là Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); 2 dự án luật là Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi); Đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.
Sau khi cho ý kiến về từng nội dung cụ thể, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ rất coi trọng và tập trung thực hiện đột phá về thể chế, một trong 3 đột phá chiến lược được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã cho ý kiến, xem xét, thông qua hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua hơn 60 luật, nghị quyết. Chính phủ ban hành hơn 380 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành gần 90 quyết định quy phạm.
Riêng trong năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 5 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 26 đề nghị xây dựng luật, nghị quyết, dự án luật. Đặc biệt, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban.
 
Thủ tướng nhấn mạnh: Các quy định phải khả thi, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, huy động mọi nguồn lực phát triển.

Thời gian tới, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp lãnh đạo chỉ đạo, đầu tư thời gian, nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật một cách kịp thời, hiệu quả, chất lượng với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Thủ tướng nêu rõ 8 yêu cầu với công tác quan trọng này, như phải thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án, đề nghị xây dựng luật. Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát, xây dựng, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn từ thực tiễn, những vấn đề mới, vấn đề phát sinh mà chưa dự báo được từ trước… để hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, rõ ràng, khách quan, tránh chồng chéo, tránh hiểu thế nào cũng được để cán bộ yên tâm làm việc, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, huy động được nguồn lực phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục rà soát, phân cấp, phân quyền tối đa gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật, khen thưởng kịp thời; tiếp tục rà soát, cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp; có cơ chế thông thoáng để huy động nguồn lực trong và ngoài nước thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư và có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, không để tham nhũng chính sách; sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư.
 
Thủ tướng tiếp tục yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp lãnh đạo chỉ đạo, đầu tư thời gian, nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật một cách kịp thời, hiệu quả, chất lượng với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Với các nội dung cụ thể trong các dự án luật, đề nghị xây dựng luật được thảo luận tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu đề xuất các quy định phải theo hướng "rõ nội dung, rõ chủ thể, rõ thời gian, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm", có cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi với các lĩnh vực ưu tiên trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng, đánh giá tác động đa chiều, bảo đảm tính khả thi cao và linh hoạt khi cần điều chỉnh.
Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục lấy ý kiến, lắng nghe ý kiến nhân dân, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn trên tinh thần cởi mở, cầu thị; coi trọng công tác tuyên truyền, bảo đảm công khai, minh bạch để người dân cùng hiểu, cùng làm, cùng tham gia, cùng góp ý và thụ hưởng thành quả.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần trong xây dựng các dự án luật, đề nghị xây dựng luật là chủ động, tích cực, thiết thực, hiệu quả, không hình thức, không màu mè, khi đi vào cuộc sống phải tháo gỡ được khó khăn, vượt qua được thách thức, huy động được nguồn lực, tạo sự phấn khởi trong nhân dân, doanh nghiệp, phát huy khí thế, giữ đà phát triển cho đất nước.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật, dự án luật, đề án, chuẩn bị hồ sơ chặt chẽ, kỹ lưỡng, phối hợp ngay từ đầu với các cơ quan của Quốc hội trong việc trình, thẩm tra, báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Quốc hội, địa biểu Quốc hội. Đồng thời, tích cực chuẩn bị sớm các nội dung phục vụ kỳ họp thứ 8 của Quốc hội và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nhất là các luật có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây.
Tại phiên họp, thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Kết luận 49 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 103 của Quốc hội, Chính phủ đã thảo luận Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.
 
Các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất về chủ trương để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo hướng xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, phù hợp xu thế phát triển của thế giới.
 
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng phát biểu tại phiên họp.
 
 
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp.
 
 
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp.

Các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất về chủ trương để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo hướng xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, phù hợp xu thế phát triển của thế giới, dài 1.541 km, kế hoạch hoàn thành vào năm 2035, kết hợp kinh tế với an ninh-quốc phòng, kết hợp giữa vận tải hành khách là chủ yếu và vận tải hàng hóa nhẹ khi cần thiết.
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu các cơ chế để chuyển giao công nghệ, xây dựng ngành công nghiệp đường sắt theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị; xây dựng cơ chế, chính sách huy động, đa dạng hóa nguồn lực gồm của Nhà nước (Trung ương, địa phương), vốn vay, vốn phát hành trái phiếu, vốn của doanh nghiệp, vốn từ khai thác hiệu quả tuyến đường sắt…; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự lực, tự cường, nâng cao năng lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp để triển khai các dự án hạ tầng lớn khác.
Thủ tướng cũng yêu cầu đánh giá kỹ tác động, nhất là liên quan tới nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao; đồng thời, cần nâng cấp các tuyến đường sắt hiện hữu để tập trung cho vận tải hàng hóa, phát triển du lịch và nghiên cứu, sớm triển khai 3 tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, tuyến đường sắt Vientiane (Lào)-Vũng Áng (Hà Tĩnh).