Ngày 17/9, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định Nghị quyết của Quốc hội tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp.
Cơ chế, chính sách phân cấp, phân quyền còn bất cập
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế thành phố Hải Phòng phát triển toàn diện, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng chuyển dịch theo đúng định hướng. Hải Phòng đã khẳng định được vị thế của thành phố quan trọng trong nước và quốc tế; hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư, có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại. Văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ có bước phát triển mới, đạt nhiều kết quả quan trọng, dần khẳng định là một trung tâm của vùng duyên hải Bắc Bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của thành phố được sắp xếp, tinh gọn; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt vai trò kiến tạo, phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Đại diện Bộ Nội vụ trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố Hải Phòng còn gặp khó khăn, vướng mắc trong mô hình quản lý hiện nay, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại địa bàn đang phát triển năng động. Cơ chế, chính sách phân cấp giữa Trung ương và thành phố Hải Phòng; giữa các cấp chính quyền của thành phố còn nhiều bất cập, đặc biệt là các cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách; quy hoạch; kế hoạch đầu tư; tổ chức bộ máy; xây dựng và quản lý đô thị… Mô hình tổ chức chính quyền của thành phố chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của việc quản lý một đô thị lớn; tính tự chủ, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm để giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra đối với chính quyền các cấp còn hạn chế; chưa tạo được sự chủ động cho thành phố trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển, phục vụ Nhân dân và yêu cầu phát triển đô thị hiện đại, văn minh,…
Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng là cần thiết nhằm từng bước đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách, đổi mới hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn nhiệm vụ, thẩm quyền, tổ chức bộ máy của chính quyền đô thị các cấp ở địa phương. Đồng thời đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền từ Trung ương cho chính quyền thành phố nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền thành phố trên các lĩnh vực; phát huy các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của thành phố cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hình thành đô thị văn minh, hiện đại, xứng tầm với vị trí, vai trò của thành phố và là đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước.
Linh hoạt trong sắp xếp cơ cấu, tổ chức UBND các cấp
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã trao đổi, thảo luận về nội dung dự thảo Nghị quyết. Đồng chí Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhất trí sự cần thiết phải xây dựng Nghị quyết để tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố Hải Phòng. Đồng chí cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết trong bối cảnh hiện nay có nhiều thuận lợi khi thành phố vừa thông qua kế hoạch quy hoạch năm 2024; đồng thời cũng đang xây dựng Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố và Nghị quyết về sắp xếp điều chỉnh địa giới hành chính.
Đồng chí Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Về cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân (UBND) quận, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lựa chọn những cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương để quy định trong Nghị quyết; qua đó tạo cơ chế linh hoạt trong sắp xếp cơ cấu, tổ chức của UBND quận, phù hợp với định hướng đô thị thông minh, đô thị xanh, lấy người dân làm trung tâm của thành phố Hải Phòng.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ đang xây dựng dự thảo Luật Đầu tư công, trong đó quy định “Chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C thuộc quyền quản lý”. Còn dự thảo Nghị quyết hiện đang giao việc quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C do quận, phường quản lý cho UBND thành phố Hải Phòng. Vì vậy, đồng chí đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để rà soát nội dung giữa hai dự thảo trên, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Nhất trí với ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Văn phòng Trung ương Đảng cho biết, dự thảo Nghị quyết cũng đang quy định quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng; Hội đồng nhân dân thành phố Thủy Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng (Phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng đối với huyện Thủy Nguyên). Do đó, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, bám sát các nội dung của Luật Đầu tư công đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi.
Đại diện Văn phòng Trung ương Đảng.
Về cơ quan hành chính nhà nước, dự thảo Nghị quyết xác định những cơ quan này gồm UBND thành phố, UBND quận, UBND phường. Tuy nhiên, một số điều khoản của dự thảo có quy định cơ quan hành chính khác thuộc UBND thành phố, UBND quận, huyện và thành phố thuộc thành phố. Vì vậy, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì làm rõ cơ quan hành chính khác thuộc UBND là cơ quan nào. Cùng với đó, đồng chí cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ một số nội dung khác như: cách thức sắp xếp cơ cấu của UBND các cấp là theo cá nhân hay tập thể; thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cấp; những cấp nào có Ban Đô thị…
Cần đánh giá nguồn lực, tài chính đảm bảo thi hành Nghị quyết
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng là cần thiết và phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng. Về tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Cán bộ, công chức…
Theo Thứ trưởng, dự thảo Nghị quyết hiện quy định theo hướng điều chuyển các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân quận, Hội đồng nhân dân phường sang các cơ quan, chủ thể có thẩm quyền khác. Việc này có thể làm phát sinh thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Nghị quyết có tác động nhiều mặt về chính trị, kinh tế, xã hội. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động hành chính và đánh giá điều kiện về nguồn lực, tài chính để thi hành Nghị quyết.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận phiên họp.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tham khảo nội dung các Nghị quyết của các thành phố khác đã được xây dựng, đặc biệt là mô hình phân cấp, phân quyền tại Luật Thủ đô; chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội; đồng thời phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để rà soát, lược bỏ những nội dung đã được quy định tại dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi); rà soát thẩm quyền bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu mô hình Hội đồng nhân dân các cấp…
Anh Thư - Trung tâm Thông tin