Ngày 11/7, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp. Thiếu tướng Phạm Hải Trung, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thiếu tướng Hàn Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng cùng dự.
Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng
Phát biểu tại phiên họp, Thiếu tướng Phạm Hải Trung, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, Khu Di tích Lăng là nơi mà Nhân dân Việt Nam đến thăm, viếng, tỏ lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, trung thành, quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Người vạch ra, nhằm xây dựng thành công một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp.
Nhiều Nguyên thủ quốc gia các nước và các đoàn khách quốc tế khi sang thăm Việt Nam đều đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ sự tôn kính Người, cũng như thể hiện tình cảm trân trọng đối với đất nước, con người Việt Nam. Đây chính là biểu tượng cho những di sản vô giá về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Vì vậy, việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân Việt Nam.
Thiếu tướng Phạm Hải Trung, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.
Trong những năm qua, Ban Quản lý Lăng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã quán triệt, thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị đặc biệt này. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng đã đặt ra một số nội dung, yêu cầu đòi hỏi phải điều chỉnh, bổ sung như cần có chính sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học sản xuất vật tư, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và bảo đảm kỹ thuật công trình Lăng; cơ chế đảm bảo chế độ, chính sách cho lực lượng nhiệm vụ; …
Thiếu tướng Hàn Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng.
Vì vậy, việc xây dựng Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là cần thiết nhằm thể chế hoá các chủ trương của Đảng về giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng. Pháp lệnh sẽ quy định các nội dung về: biện pháp giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng; lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng; quản lý, tổ chức các hoạt động tại Khu Di tích Lăng; các nguồn lực thực hiện.
Cần xác định đúng phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí rằng việc quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng với mục đích cao cả, thiêng liêng. Vì vậy việc ban hành Pháp lệnh là cần thiết.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Pháp lệnh đang bổ sung 2 phạm vi mới so với nội dung đề xuất ở giai đoạn đề nghị xây dựng Pháp lệnh là Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Do đó, đại diện Văn phòng Chính phủ đề nghị cơ quan chủ trì thuyết minh, giải trình thêm về sự cần thiết, nguyên nhân bổ sung 2 khu vực này tại Tờ trình.
Đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Theo đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hai khu vực là Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh đang thuộc quản lý của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Vì vậy, để phù hợp với phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo điều chỉnh quy định về phạm vi điều chỉnh thành “Pháp lệnh này quy định về giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; quản lý, bảo vệ an ninh quốc gia các công trình, khu vực và tổ chức các hoạt động tại Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh….”; đồng thời chỉnh lý các điều khoản khác có liên quan.
Bên cạnh đó, dự thảo Pháp lệnh đang quy định “Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội (sau đây gọi là Khu Di tích K9)”. Tuy nhiên, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông chỉ là một phần của Khu Di tích K9 nên đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh này chỉ là Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông hay là cả Khu Di tích K9.
Đại diện Văn phòng Chính phủ
Một nội dung cũng nhận được sự quan tâm, thảo luận của các thành viên Hội đồng thẩm định là các quy định liên quan đến tổ chức bộ máy và chức năng của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đại diện Văn phòng Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo chỉ nên nêu những quy định chung, mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này để đảm bảo phù hợp với sự thay đổi của từng giai đoạn, từng thời kỳ; qua đó triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Đại diện Bộ Nội vụ.
Nhất trí với ý kiến của đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ Nội Vụ cho biết việc quy định về tổ chức bộ máy thuộc thẩm quyền của Chính phủ; vì vậy giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung tổ chức bộ máy của Ban Quản lý Lăng là hợp lý. Bên cạnh đó, theo đồng chí, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Ban Quản lý Lăng phải lập thành đề án và có đánh giá cụ thể theo Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, đối với quy định về tiêu chuẩn tuyển chọn, tuyển dụng vào lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì làm rõ đây là tiêu chuẩn chung hay tiêu chuẩn đặc thù; đồng thời rà soát nội dung với các Luật liên quan như Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức,…
Trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định, ý kiến giải trình của đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo và hoàn thiện Báo cáo thẩm định theo quy định.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin