Đồng bộ, thống nhất, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước

17/04/2024
Đồng bộ, thống nhất, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước
Ngày 17/4, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp.
Bước đầu khởi tạo và hình thành được 07 Cơ sở dữ liệu quốc gia
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Công an cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số như Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;…
 
Đồng chí Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (V03), Bộ Công an.
 
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, việc phát triển khoa học, công nghệ, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu, đã đạt được một số kết quả tích cực như: Bước đầu khởi tạo và hình thành được 07 Cơ sở dữ liệu quốc gia; một số Cơ sở dữ liệu quốc gia đã có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân; hạ tầng công nghệ xây dựng các Trung tâm dữ liệu bước đầu được quan tâm đầu tư hơn...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu vẫn tồn tại một số hạn chế như: nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, chưa được chuẩn hóa, thống nhất về tiêu chuẩn, danh mục; các trung tâm dữ liệu đầu tư thiếu đồng bộ, chưa đạt các tiêu chuẩn quy định, không bảo đảm mức độ an ninh, an toàn hệ thống, không thường xuyên được kiểm tra, bảo trì, nâng cấp;…
 

Đại diện Bộ Công an trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.

Do vậy, việc xây dựng Luật Dữ liệu là cần thiết, cấp thiết để thực hiện thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý nhà nước; qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Làm rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu, phân tích, tổng hợp dữ liệu
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, qua rà soát sơ bộ, nhiều nội dung của Luật Dữ liệu liên quan đến quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung; tạo lập, kết nối, chia sẻ và thu thập dữ liệu đã được quy định trong Luật giao dịch điện tử số 20/2023/QH15. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đang lấy ý kiến xây dựng Luật Dữ liệu cá nhân, Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân. Vì vậy, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét, làm rõ mối quan hệ giữa các Luật này; rà soát các nội dung liên quan đến dữ liệu để đề xuất nội dung chính sách, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về cơ sở pháp lý, tránh chồng chéo và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
 

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về chiến lược dữ liệu, đồng chí cho biết, chiến lược là một kế hoạch toàn diện, tổng thể được thiết lập để đạt mục tiêu lớn; phụ thuộc vào tình hình phát triển của công nghệ trong nước và quốc tế nên phải có tính linh hoạt, có khả năng thay đổi, điều chỉnh. Trong khi đó, các quy định trong văn bản Luật thường có tính ổn định cao, chặt chẽ. Cùng với đó, ngày 02/02/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 142/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030. Do vậy, đồng chí đề nghị cân nhắc xem xét, rà soát để lược bỏ nội dung quy định này.
Để đưa dữ liệu trở thành một loại tài sản được pháp luật bảo vệ và tạo thị trường dữ liệu, đồng chí cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu thêm các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu dữ liệu, quyền chủ thể dữ liệu, quyền truy cập, quản trị dữ liệu lấy con người làm trung tâm, quyền riêng tư dữ liệu cá nhân, chính sách mua bán dữ liệu. Đồng thời, cơ quan chủ trì cần bổ sung thêm quy định rõ vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu, phân tích, tổng hợp dữ liệu.
 

Đại diện Bộ Ngoại giao (phải).

Liên quan đến dữ liệu cá nhân, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, báo cáo Tổng kết thi hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định về dữ liệu đã nêu thực trạng liên quan đến dữ liệu cá nhân (như việc dữ liệu cá nhân vẫn bị khai thác, mua bán trái pháp luật; an ninh, an toàn thông tin tại một số cơ quan chưa đảm bảo). Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ cách thức, biện pháp để giải quyết các hạn chế trên tại báo cáo.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 14 và Khoản 2 Điều 30 hiện quy định nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân cung cấp dữ liệu, thông tin cho cơ quan nhà nước khi được yêu cầu. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin, dữ liệu là vấn đề nhạy cảm, cần được bảo đảm các quyền về bí mật cá nhân của công dân, quyền về bí mật kinh doanh cũng như hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Đồng chí đề nghị phải quy định rõ trong Luật các trường hợp mà cơ quan nhà nước được phép yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, dữ liệu và các loại thông tin, dữ liệu mà tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp trong những trường hợp nói trên.
 

Đại diện Bộ Nội vụ.

Cơ bản nhất trí với các ý kiến trên, đại diện Bộ Nội vụ bổ sung thêm, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc loại bỏ quy định về trách nhiệm của Bộ Nội vụ (Điều 61) vì các quy định về vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức sẽ được thực hiện thống nhất theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Còn quy định về chính sách tiền lương mới sẽ được thực hiện từ ngày 01/7/2024 theo Nghị quyết số 103/2023/QH ngày 09/11/2023 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Tiếp tục rà soát các nội dung dự kiến điều chỉnh tại Đề nghị xây dựng Luật với các văn bản luật khác có liên quan
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng dự án Luật Dữ liệu; đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung dự kiến điều chỉnh tại Đề nghị xây dựng Luật với các văn bản luật khác có liên quan như: Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Luật Căn cước năm 2023; đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số… để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần rà soát các khái niệm được sử dụng trong Luật, bảo đảm đồng bộ với quy chuẩn quốc tế và các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận phiên họp.

Thứ trưởng cũng cho biết việc xây dựng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia là xu thế chung, tạo nền tảng xây dựng Chính phủ số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu tổng hợp cũng chỉ thực hiện chức năng lưu trữ, đồng bộ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu khác. Vì vậy, Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia chỉ thành công và đạt hiệu quả khi các cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành đã chính xác, thống nhất về tiêu chuẩn trong việc kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu. Do đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tính khả thi và nghiên cứu thêm các kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng Cơ sở dữ liệu này; đồng thời làm rõ các nguyên tắc trong thực hiện cung cấp, công khai, chia sẻ, đồng bộ thông tin và bảo vệ dữ liệu của tổ chức, cá nhân.
Về đề xuất hình thành Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, qua rà soát, một số nội dung chi của Quỹ có thể trùng lặp với các nội dung chi của các Quỹ khác như: quỹ phát triển khoa học và công nghệ; quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia; quỹ thi đua, khen thưởng… Do đó, để làm cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì làm rõ việc hình thành quỹ không làm phát sinh thêm tổ chức biên chế quản lý quỹ, các nội dung chi của quỹ đảm bảo không trùng lặp với các quỹ khác.
 
Bộ Công an đề xuất 04 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu gồm: xây dựng, phát triển, quản trị, xử lý dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu, quản lý nhà nước về dữ liệu (1); Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia (2); Trung tâm dữ liệu quốc gia (3); các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu (4).
Anh Thư - Trung tâm Thông tin