Việc quán triệt Luật Thi hành án dân sự (THADS) và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật này đã được thảo luận tại hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2009. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của hai văn bản trên đối với hiệu quả công tác THADS. Tuy nhiên, như nhắc nhở của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, đó vẫn chưa phải là “đôi đũa thần” cho công tác THADS trong năm 2009, mà chỉ đặt ra thêm nhiều thách thức cho lĩnh vực còn nhiều hạn chế này.
Giảm án tồn đọng
Sau 1 năm nỗ lực với kết quả cao hơn những gì đã đạt được trong năm 2007, câu chuyện THADS năm 2008 vẫn chưa thoát được “gánh nặng” về án tồn đọng. Theo ông Nguyễn Thanh Thủy – Phó Cục trưởng Cục THADS (Bộ Tư pháp), mặc dù số việc và tiền thi hành xong cao hơn nhiều so với năm 2007 nhưng số việc tồn đọng chuyển sang năm 2009 vẫn ở mức 6 con số (292.579 việc), trong đó án tồn đọng do chưa có điều kiện thi hành còn chiếm tỷ lệ cao. Vì thế, việc “xóa sổ” án tồn đọng là rất khó khăn, thậm chí như ở Bến Tre là “không thể giải quyết” trong năm tới như dự đoán của Trưởng THADS tỉnh Bến Tre Phạm Hoài Thuận.
Với Luật THADS, đòi hỏi giảm án tồn đọng càng cao hơn vì Luật được xây dựng và thông qua nhằm “thực sự tạo chuyển biến đột phá trong công tác THADS”. Luật THADS đã có qui định về miễn giảm thi hành đối với khoản nộp ngân sách nhà nước và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật này qui định về việc miễn thi hành đối với khoản nộp ngân sách có giá trị không quá 500.000 đồng trước ngày 1/7/2004 chưa thi hành được. Các qui định này nhằm giải quyết dứt điểm một số vụ việc thi hành đối với ngân sách nhà nước có giá trị nhỏ, còn tồn đọng do không có điều kiện tài sản để thi hành. Theo thống kê chưa đầy đủ, số việc thuộc dạng này vào khoảng 114.000 việc (chiếm khoảng 36% số án tồn đọng). Do đó, sau ngày 1/7/2009, với việc thi hành Luật THADS, số án tồn đọng có thể giảm hơn 1/3, góp phần không nhỏ để tăng hiệu quả công tác THADS.
Ngoài ra, những người làm công tác THADS đã nhận thấy rằng, nhiều trường hợp đương sự sử dụng các qui định về khiếu nại trong THA để kéo dài thời hạn THA. Vì thế, bất kỳ quyết định, thủ tục nào trong giai đoạn THA cũng có thể bị khiếu nại không chỉ khiến các cơ quan tư pháp, cơ quan THADS “đau đầu”, mà còn dẫn đến sự đình trệ việc THA và hy vọng giảm án tồn đọng, giảm 20-25% các vụ khiếu nại kéo dài trong THA dường như là một thách thức “vĩnh viễn” đối với những người làm công tác THADS.
Các Trưởng THADS địa phương còn lo ngại trước chỉ tiêu tiếp tục giảm án tồn đọng trong năm 2009 khi số việc THA tồn đọng chuyển dồn từ năm này sang năm khác nhiều mà chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết dứt điểm, thủ tục áp dụng biện pháp cưỡng chế (như bán đấu giá tài sản đã kê biên) tốn rất nhiều thời gian, có những vụ việc phải kéo dài hàng chục năm mới có thể THA xong (theo phán quyết của tòa án như các việc cấp dưỡng), trong khi không phải đương sự nào cũng tự nguyện THA... Trưởng THADS tỉnh Bến Tre Phạm Hoài Thuận cho rằng, chỉ tiêu giảm 10-15% án tồn đọng là quá cao vì điều kiện để giảm án tồn đọng ở các địa phương khác nhau cũng không giống nhau. Hơn nữa, đa số những án tồn đọng lại là những án “vô phương” thi hành. Vì thế, năm 2009, Bộ sẽ không giao chỉ tiêu THA chung mà giao chỉ tiêu cho từng địa phương với định mức hợp lý để sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực hiện có, động viên chấp hành viên (CHV) hoàn thành nhiệm vụ và đảm bảo được quyền lợi của các cơ quan THADS.
Kiện toàn tổ chức công bằng và hiệu quả
Trước khi “gặt hái” được hiệu quả bước đầu của Luật THADS đối với công tác THADS, các cơ quan THADS còn phải đương đầu với thách thức về công tác cán bộ, đòi hỏi chiến lược phù hợp với nhiệm vụ ngày càng nặng nề và phức tạp. Vị thế cơ quan THADS đã được nâng lên một bước và có nhiều nhiệm vụ mới như giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về công tác THADS ở địa phương, giúp Bộ trưởng Bộ tư pháp và cơ quan quản lý THADS thuộc Bộ Tư pháp thực hiện quản lý một số mặt công tác tổ chức cán bộ của các cơ quan THADS tại địa phương…
Vì thế, vai trò của người thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan THADS phải được nâng lên đủ tầm với công việc được giao, nhất là những nhiệm vụ mới, với những đòi hỏi về năng lực quản lý và chuyên môn. Trong khi đó, hiện nay, không ít Thủ tưởng các cơ quan THADS còn chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý mà còn nặng về các hoạt động chuyên môn, chưa hoàn toàn đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ của Thủ trưởng, phó Thủ trưởng cơ quan THADS. Bên cạnh đó, tình trạng cơ quan THADS chỉ có 1 CHV hoặc không có Thủ trưởng vẫn chưa khắc phục được (còn 8 đơn vị cấp huyện chưa có Trưởng THA, 9 đơn vị chỉ có 1 CHV).
Luật THADS qui định có 3 ngạch CHV: sơ, trung, cao cấp. Vì thế, vấn đề đặt ra là làm sao bố trí các ngạch CHV ở các cơ quan THADS cũng như chuyển đổi CHV cho phù hợp, công bằng, đảm bảo quyền lợi của các CHV. Trưởng THADS tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Trung thấy rằng, việc phân bổ tỷ lệ các ngạch CHV cho các đơn vị THADS phải căn cứ vào số lượng việc mà đơn vị phải thi hành để tránh “tị nạnh”.
Một thực tế đáng buồn là các cơ quan THADS địa phương thực sự đang trong tình trạng quá tải do sự tỷ lệ nghịch giữa số lượng án phải thi hành quá lớn (có khi lên đến hàng nghìn việc) với biên chế của các cơ quan THADS. Theo Trưởng THADS tỉnh Bình Định Hồ Quang Vinh, mỗi CHV phải giải quyết đến 550 việc/năm. Đó là do nhiều cơ quan THADS vẫn chưa tuyển dụng đủ biên chế. Tính đến 30/9/2008, các cơ quan THADS còn thiếu là 572 người (nhiều địa phương còn thiếu trên 10 chỉ tiêu biên chế như Sơn La, Bình Thuận, Khánh Hòa…). Vấn đề băn khoăn là rất khó để bổ sung biên chế vì thiếu nguồn bổ nhiệm CHV lại song song với việc CHV xin chuyển công tác, thôi việc vẫn chưa có chiều hướng giảm (năm 2008 có 106 trường hợp xin chuyển công tác).
Sẽ còn nhiều thách thức được đặt ra cho công tác THADS. Dù vậy, với Luật THADS, hiệu quả công tác THADS sẽ được đẩy mạnh nhằm củng cố vị trí, vai trò của hệ thống cơ quan THADS, và góp phần để luật pháp được thực thi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và toàn xã hội./.
Huy Long
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Năm 2009, các cơ quan THADS phải đạt và vượt chỉ tiêu của Bộ đề ra, không vì công tác triển khai Luật THADS mà làm ảnh hưởng, như kinh nghiệm của nhiều đơn vị trong năm 2007. Cần lưu ý rằng, Luật THADS và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật này không phải “đôi đũa thần” để làm mọi việc mà chỉ tăng thêm thách thức cho công tác THADS. Vì thế, Giám đốc Sở Tư pháp phải như “Bộ trưởng Bộ Tư pháp”ở địa phương, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương kiện toàn công tác THADS ở địa phương trước ngày 1/7/2009, chuẩn bị sẵn sàng cho việc thi hành Luật này. Nhưng tạo được chuyển biến cơ bản lại phụ thuộc vào bản thân các cơ quan THADS”. |
Ngay sau Hội nghị Triển khai công tác Tư pháp 2009, Bộ Tư pháp đã tổ chức thảo luận chuyên sâu về công tác THADS để đánh giá công tác THADS năm 2008 và các giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác này. Đồng thời, bàn về biện pháp thực hiện kế hoạch triển khai Luật THADS và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật này (đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký ban hành ngày 29/12/2008) và các vấn đề khác như kiện toàn tổ chức, nhân sự cơ quan THADS; rà soát các khoản thu cho ngân sách nhà nước được miễn; ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong THADS… |